Kênh truyền hình Quốc phòng TV gần đây đưa tin, Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Trực thăng - Helitechco (thuộc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Bộ Quốc phòng) đang thực hiện hợp đồng sửa chữa đại tu lớn trực thăng họ Mi (có thể là loại Mi-8/17) cho Sri Lanka.
Với thông tin này có thể cho thấy rằng Việt Nam đã làm chủ được công nghệ sửa chữa, đại tu bảo dưỡng trực thăng họ Mi mà không cần tới sự trợ giúp từ nước ngoài.
Theo Quốc phòng TV, trực thăng vận tải đa năng họ Mi của Sri Lanka (do Nga sản xuất) sau 5 năm nghỉ bay, máy móc của chiếc trực thăng này gần như không hoạt động, do đó công tác đại tu bảo dưỡng gặp nhiều khó khăn bởi các bộ phận đã hư hỏng. Tuy nhiên theo hợp đồng, các kỹ sư của Helitechco sẽ quyết tâm phục hồi mọi chức năng của chiếc trực thăng vào cuối năm nay.
|
Chiếc trực thăng họ Mi của Sri Lanka đang được các công nhân lành nghề Helitechco đại tu, sửa chữa.
|
Đại tá Tô Văn Mai – Giám đốc Helitechco chia sẻ: “Nhiệm vụ chính của chúng tôi là tiến hành đại tu sửa chữa máy bay trực thăng họ Mi. Và trong thời gian vừa qua thì chúng tôi đã thực hiện được rất nhiều hợp đồng đại tu, trong đó có đại tu cả máy bay nước ngoài và trong nước”.
Gần 20 năm qua, Helitechco đã bảo dưỡng, đại tu cho gần 200 lượt máy bay trực thăng họ Mi do Nga sản xuất. Công ty đã có nhiều sáng kiến kỹ thuật nhằm tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất lao động. Ví dụ như chế tạo thành công các bàn thử nhằm kiểm tra các chi tiết kỹ thuật của máy bay sau khi sửa chữa này. Mỗi một bàn thử do kỹ sư Việt Nam sáng chế giúp tiết kiệm hàng tỷ đồng và không còn phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.
“Việc đầu tư mua sắm trang thiết bị để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ đại tu rất khó khăn trong việc vốn. Chính vì vậy, cán bộ công nhân viên công ty đã có nhiều sáng tạo, trong đó đặc biệt là chế tạo các bàn thử để kiểm tra sau sửa chữa”, Đại tá Tô Văn Mai cho biết thêm.
|
Nhiều kỹ sư Việt Nam đã được cấp chứng chỉ châu Âu.
|
Helitechco hiện cũng là đơn vị duy nhất tại khu vực Đông Nam Á được cấp chứng chỉ bảo dưỡng máy bay trực thăng họ Mi. Để đạt được kết quả đó, trình độ tay nghề kỹ thuật viên đã không ngừng được nâng cao.
“Các kỹ sư và nhân viên kỹ thuật ở đây đều là người Việt Nam, họ có tay nghề tốt và nhiều người được cấp chứng chỉ châu Âu”, Kỹ sư Denis Rinaudo – đại diện hãng Eurocopter chi nhánh châu Á (nhà sản xuất trực thăng hàng đầu châu Âu) nhận xét.
Bên cạnh việc làm chủ kỹ thuật sửa chữa máy bay họ Mi, các đơn vị thuộc Tổng công ty trực thăng Việt Nam đang nghiên cứu phân tích tình trạng kỹ thuật của các loại máy bay trực thăng châu Âu, qua đó có thể chủ động phát hiện, sửa lỗi kỹ thuật của nhiều loại trực thăng khác nhau, giúp tiết kiệm chi phí và làm chủ kỹ thuật sửa chữa máy bay.
Hoàng Lê