Tạp chí Jane's Defence Weekly cho biết, hãng chế tạo máy bay Antonov của Ukraine đã bắt đầu đưa vào sản xuất hàng loạt máy bay vận tải quân sự tầm trung An-70, sau khi chiếc đầu tiên được đưa vào trang bị cho Không quân Ukraine vào hôm 22/1.
Quyết định này được Bộ quốc phòng Ukraine thông qua sau khi chương trình thử nghiệm của An-70 kết thúc vào tháng 6 năm ngoái, theo đó dây chuyền sản xuất của dòng máy bay vận tải này sẽ được mở lại sau khi bị đình chỉ vô thời hạn.
|
Antonov sẽ chính thức tái khởi động lại dây chuyền sản xuất máy báy vận tải An-70 trong thời gian sắp tới.
|
An-70 là mẫu máy bay vận tải tầm trung được trang bị 4 động cơ cánh quạt được phát triển bởi một liên doanh giữa Ukraine và Nga, với khoang chứa hàng có chiều dài lên tới hơn 22m, rộng 4,80m và cao 4,40m.
Một chiếc An-70 có thể mang theo 20 tấn hàng hóa hoặc 300 lính dù với tầm hoạt động tối đa lên tới 6.600km và có vận tốc tối đa là 780km/h. Máy bay vận tải quân sự An-70 của Antonov được so sánh là ngang ngửa với mẫu A400M Atlas của hãng hàng không Airbus.
Với thị trường máy bay vận tải quân sự trị giá khoảng 30 tỷ USD trong hơn 10 năm tới, An-70 cũng được xem sẽ là đối thủ cạnh tranh với các dòng máy bay vận tải quân sự tầm trung đình đám khác như KC-390 của Embraer Brazil và C-130J của Lockheed Martin Mỹ.
An-70 được xem là dự án khó khăn nhất của Antonov khi mà quá trình phát triển của nó kéo dài từ thời Liên Xô cho tới nay, sau khi Liên Xô sụp đổ An-70 tiếp tục được Antonov phát triển dưới sự hỗ trợ về mặt tài chính từ Nga. Tuy nhiên, Moscow cũng đã nhiều lần đe dọa rút vốn khỏi chương trình An-70 do các vấn đề rắc rối phát sinh trong quá trình phát triển.
|
An-70 liệu có đủ sức để có thể cạnh tranh với các đối thủ khác đến từng châu Âu như A400M của Airbus.
|
Liên doanh Ukraine-Nga trong chương trình phát triển máy bay vận tải An-70 cũng chính thức đổ vỡ, sau khi Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych có chính sách thân Nga bị lật đổ vào đầu năm 2014 và việc Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea. Cho dù mất đi sự hỗ trợ tài chính lớn nhất từ Nga nhưng chương trình An-70 vẫn được Antonov tiếp tục duy trì, trong bối cảnh Ukraine rơi tình trạng khủng hoảng toàn diện nhất là ở miền Đông nước này.
Mặc dù quá trình thử nghiệm An-70 diễn ra khá thành công nhưng Antonov lại không thể bảo đảm tương lai của loại máy bay vận tải này trên thị trường quốc tế, khi mà nó phải đối đầu với các đối thủ có tên tuổi như Airbus, Lockheed Martin, và Embraer.
Trà Khánh