Trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trung Quốc – ông Tập Cận Bình đến một đơn vị không quân vào hôm 17/2, truyền thông nước này đã vô tình tiết lộ nội thất bên trong biến thể hiện đại hóa mới nhất máy bay ném bom chiến lược tầm trung H-6K.
Chuyến thăm này được xem là một trong những hoạt động thường niên của các lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Trung Quốc trước thềm Tết Âm Lịch, và đây cũng là cách để ông Tập Cận Bình thể hiện sự quan tâm của mình đối với quân đội nước này.
|
Ông Tập Cận Bình bên trong buồng lái của máy bay ném bom H-6K - có thể thấy bảng điều khiển được trang bị các màn hình LCD màu hiển thị thông số bay thay các đồng hồ kiểu cũ.
|
Theo truyền thông Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã đến thăm một đơn vị máy bay ném bom chiến lược H-6 của Không quân Trung Quốc đóng quân tại căn cứ ở ngoại ô thành phố Tây An. Đơn vị này có biên chế chính gồm các máy bay ném bom chiến lược tầm trung H-6H và được đưa vào sử dụng từ cuối những năm 1990, biến thể H-6 này còn có thể mang theo các tên lửa hành trình YJ-63 do Trung Quốc tự chế tạo.
Bên cạnh đó, tại căn cứ không quân này còn có sự xuất hiện của những chiếc H-6M mới được Không quân Trung Quốc đưa vào trang bị từ năm 2007, biến thể này còn tích hợp hệ thống tác chiến điện tử cũng như có thể mang theo hai tên lửa hành trình KD-20 được trang bị các đầu đạn hạt nhân với tầm bắn lên tới 2.500km.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất là giới truyền thông Trung Quốc công bố hình ảnh ông Tập Cận Bình ngồi bên trong buồng lái của một chiếc máy bay ném bom chiến lược H-6K mới được Trung Quốc đưa vào trang bị.
H-6K có thay đổi khá lớn so với các phiên bản máy bay ném bom H-6 trước đó do Trung Quốc sản xuất, nó cũng được trang bị các màn hình hiển thị đa chức năng thay cho các loại đồng hồ hiển thị thông số cũ. Bên cạnh đó H-6K cũng là biến thể máy bay ném bom H-6 đầu tiên được trang bị hệ thống ghế phóng khẩn cấp dành cho các phi công.
|
Biến thể máy bay ném bom chiến lược tầm trung H-6K của Không quân Trung Quốc.
|
Nguyên mẫu H-6K đầu tiên xuất hiện vào năm 2007 và được xem là biến thể hiện đại hóa sâu nhất của dòng máy bay ném bom H-6 do Trung Quốc chế tạo dựa theo mẫu Tu-16 Liên Xô. Với việc thay đổi thiết kế phần mũi máy bay để phù hợp hơn với hệ thống radar và hệ thống định vị mục tiêu được gắn bên ngoài. Ngoài ra, H-6K còn được trang bị 2 động cơ phản lực D-30-KP2 thế hệ mới do Nga sản xuất cùng với đó là phần thân được làm bằng các vật liệu tổng hợp siêu nhẹ giúp nó tăng 30% phạm vi hoạt động.
Máy bay ném bom chiến lược H-6K mang theo tối đa 6 tên lửa hành trình KD-20 với các giá treo vũ khí bên dưới cánh hoặc nhiều hơn nếu được đặt bên trong khoang chứa bom. Nó còn có thể mang theo các loại tên lửa dẫn đường thế hệ mới do Trung Quốc phát triển.
Tuấn Đặng