Theo tạp chí Khán Hòa, gần đây, Tổng công ty xuất nhập khẩu Máy móc Chính xác của Trung Quốc (CPMIEC) cùng lúc đã ra mắt 2 loại tên lửa đất đối không kiểu mới.
Theo đó, một loại định danh là KS-1C – biến thể của hệ thống tên lửa phòng không tầm trung KS-1A (hay còn gọi là HQ-12), tầm bắn từ 50m lên 70km, độ cao diệt mục tiêu đạt 27km. Tuy nhiên, hệ thống vẫn dùng phương thức dẫn đường vô tuyến.
Khán Hòa cho rằng, trong cuộc chiến Kosovo, tên lửa đất đối không sử dụng phương thức dẫn đường vô tuyến hầu như bị gây nhiễu hoàn toàn, vậy tại sao tên lửa KS-1C vẫn sử dụng phương thức này mà không thay bằng công nghệ dẫn radar chủ động hoặc bán chủ động.
|
Đạn tên lửa hệ thống KS-1C chứa trong hộp phóng thay vì "treo lủng lẳng, thiếu an toàn" như trên KS-1A.
|
Đáp lại ý kiến này, CPMIEC cho biết là việc dùng công nghệ dẫn vô tuyến giúp KS-1C giảm đáng kể giá thành sản xuất. Nếu dùng radar chủ động trên tên lửa khiến giá thành tăng.
Năm 2013, Lục quân Malaysia đã tái khởi động kế hoạch mua tổ hợp tên lửa đất đối không. Thực tế, kế hoạch này đã được đề xuất 10 năm trước và tên lửa KS-1A là lựa chọn đầu tiên. Với việc Malaysia “kích hoạt” kế hoạch này, nhiều khả năng CPMIEC ra mắt KS-1C nhắm vào việc “chen chân” trang bị trong lực lượng phòng không Malaysia.
Theo công ty CPMIEC, sự khác biệt giữa tên lửa KS-1A và KS-1C chủ yếu là tăng thành phần thuốc nổ, động cơ không thay đổi.
Một loại tên lửa đất đối không khác mà công ty CPMIEC giới thiệu là FK-3 với tầm bắn 5-100 km, độ cao diệt mục tiêu 50m tới 27 km, giàn phóng 4 ống giống với tên lửa S-300 của Nga và tên lửa Hồng Kỳ-9 mà quân đội Trung Quốc sử dụng.
Liên quan đến loại tên lửa đất đối không này, Khán Hòa nghi ngờ rằng nó là biến thể cải tiến từ tên lửa chống bức xạ FT2000 đã xuất hiện trước đó.
Bằng Hữu