Tờ Nhân dân Nhật Báo đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia quân sự Lý Lợi để phân tích vị thế và trình độ tàu ngầm hạt nhân hiện nay của Trung Quốc trên thế giới.
Theo vị chuyên gia này, trên thế giới, hiện nay không có nhiều quốc gia có thể nghiên cứu được tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa chiến lược, nguyên nhân là rất nhiều công nghệ quan trọng chưa được giải quyết. Như lò phản ứng, nếu được đặt trên tàu nổi thì có thể làm việc với lò phản ứng rất lớn, nhưng phải đặt trên tàu ngầm thì cần phải đủ nhỏ để làm việc, điều này cần phải giải quyết vấn đề khối lượng của lò phản ứng. Ngoài ra, vấn đề động cơ của tàu ngầm hạt nhân cũng cần phải giải quyết, trọng tải không thể quá lớn, thông thường loại công nghệ này đối với rất nhiều nước mà nói đều là một trở ngại.
Chuyên gia Lý Lợi cho rằng, ở Trung Quốc sự phát triển công nghệ tàu ngầm hạt nhân trên thực tế đã lên một tầm cao mới.
“Từ lượng giãn nước tàu ngầm nhỏ, hành trình ngắn, độ ồn lớn lại không được trang bị tên lửa hành trình tầm xa thì nay tàu ngầm Trung Quốc đã phát triển đến hiện đại, đã có thể vượt qua chuỗi đảo thứ 2, tầm bắn tên lửa đạt đến hàng nghìn km và cùng với công nghệ đầu đạn tên lửa thế hệ mới, mạnh mẽ hơn. Có thể nói, Trung Quốc đã nắm được công nghệ chủ đạo trong phát triển, chế tạo tàu ngầm hạt nhân”, ông Lý Lợi nói.
|
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Hải quân Trung Quốc.
|
Hiện nay, Trung Quốc có trong biên chế 4 kiểu tàu ngầm hạt nhân gồm 2 loại tàu ngầm hạt nhân tấn công mang tên lửa hành trình Type 091, Type 093 và 2 loại tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 092 và Type 094. Dù vậy, hoạt động chiến đấu của những loại tàu này là không rõ ràng, thậm chí tàu ngầm hạt nhân lớn nhất Type 094 rất ít khi ra biển, chủ yếu neo đậu tại cảng. Điều này dấy lên những câu hỏi về việc liệu Trung Quốc có thực sự làm chủ được hoàn toàn công nghệ tàu ngầm hạt nhân?
Ngoài ra, theo một số nguồn tin, Trung Quốc đang phát triển tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ 4 gồm: Type 097 (mang tên lửa hành trình) và Type 098 (mang tên lửa chiến lược). Khi trao đổi với phóng viên tờ CNA Hồng Kông, chuyên gia Lương Quốc Lương chỉ ra, Trung Quốc từ năm 2000 đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo tàu ngầm hạt nhân thế hệ 4. Thiết kế của tàu ngầm này có tính cách mạng, sử dụng động cơ đẩy nước (pump jet) từ thay vì sử dụng cánh quạt.
“Ngoài ra, loại tàu ngầm này thậm chí không sử dụng bánh lái phía đuôi và bánh lái ngang mặt nước, cũng có thể không có vỏ xung quanh, cho nên không tạo ra âm thanh lớn. Nghĩa là điều này giúp con tàu có khả năng tàng hình trước hệ thống định vị thủy âm của đối phương”, ông Lương nói.
Bằng Hữu