Quan chức Bộ quốc phòng Indonesia khi trả lời cuộc phỏng vấn tại Bangkok liên quan đến việc nước này thử nghiệm tên lửa C-705 nhập khẩu từ Trung Quốc cho biết, 2 cuộc thử gần đây đều thành công mỹ mãn. Indonesia đang muốn mua thêm 40 quả tên lửa C-705 nữa và sau đó mua dây chuyền công nghệ lắp ráp hoàn toàn tại Indonesia.
Theo nguồn tin, việc đàm phán chuyển giao công nghệ vẫn đang được tiến hành. Tuy nhiên, phía Trung quốc không thể (hoặc không muốn) chuyển giao toàn bộ công nghệ C-705 cho Indonesia, vì có “rất nhiều nước muốn mua loại tên lửa này”.
C-705 là tên lửa hành trình chống tàu cận âm hạng nhẹ do Trung Quốc phát triển dựa trên mẫu C-704, dùng một số thành phần của tên lửa C-602. Loại tên lửa này được thiết kế để trang bị trên các tàu tên lửa nhỏ, tàu hộ vệ, máy bay, bệ phóng mặt đất.
|
Tên lửa hành trình chống tàu cận âm C-705.
|
Theo nguồn tin công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, C-705 có trọng lượng 320kg, lắp đầu nổ nặng 110-130kg, trang bị động cơ tuốc bin phản lực cho tầm bắn 140km (độ cao hành trình thấp nhất 12,15m), độ chính xác phát bắn khoảng 95,7%. Đầu tự dẫn của C-705 dùng radar chủ động hoặc quang truyền hình hoặc hồng ngoại.
Được giới thiệu từ triển lãm Chu Hải 2008, nhưng hiện mới có Hải quân Indonesia mua và trang bị C-705 cho tàu hộ tống tên lửa cỡ nhỏ KCR do nước này tự thiết kế, phát triển.
Tạp chí Khán Hoà dẫn nguồn tin từ ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, doanh nghiệp quốc phòng nước này đã cải tiến thành công tên lửa hành trình chống tàu cận âm C-705 cho nhiệm vụ tác chiến mục tiêu mặt đất với độ chính xác cao (CEP 10m), định danh là C-705G.
Ngoài C-705, tên lửa chống tàu do Trung Quốc chế tạo hiện được trang bị cho tàu chiến vài nước Đông Nam Á khác như Myanmar và Thái Lan, chủ yếu là mẫu C-802A. Có nguồn tin cho rằng, Myanmar sẽ mua tên lửa hành trình chống tàu tầm xa C-602 của Trung Quốc.
Theo Khán Hòa, công tác trang bị tên lửa C802A cho Hải quân Thái Lan cơ bản hoàn thành, nhưng nước này chưa một lần bắn thử nghiệm trong nước (đã bắn thử ở Trung Quốc).
Bằng Hữu