Gần đây, các trang mạng Trung Quốc đăng tải hình ảnh máy bay cảnh báo sớm thế hệ mới được định danh tạm thời là Không Cảnh-500 (KJ-500) được cho là do ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo.
Các hình ảnh đăng tải được chụp cự ly khá gần, thông thường thì với vũ khí mới các quốc gia hay giữ bí mật tuyệt đối. Nhưng với Trung Quốc thì ngược lại, nước này thường xuyên tự “lộ hàng” và đăng tải trên kênh thông tin không chính thức. Nhiều khả năng, hình ảnh về KJ-500 tiếp tục là lần khoe vũ khí mới theo dạng “rò rỉ” cũng như cách nước này từng tự “lộ” về J-31, J-20 hay xe tăng Type 99 mới.
|
Hình ảnh máy bay KJ-500 chất lượng thấp - đúng phong cách "lộ vũ khí mới" của Trung Quốc.
|
Hiện nay, máy bay cảnh báo sớm thế hệ thứ nhất do Trung Quốc nghiên cứu chế tạo là loại KJ-200 và KJ-2000 (dùng khung thân cơ sở vận tải cơ phản lực Il-76MD của Nga), còn máy bay cảnh báo sớm thế hệ thứ 2 gồm mẫu ZDK-03 dùng để xuất khẩu và máy bay cảnh báo sớm cỡ trung bình thế hệ mới KJ-500.
Máy bay cảnh báo sớm KJ-500 đang trong quá trình thử nghiệm bay, theo Hoàn Cầu, tương lai gần sẽ trang bị cho Không quân và Hải quân Trung Quốc. Những chiếc máy bay KJ-500 hiện chỉ sơn màu vàng – màu của máy bay đang thử nghiệm, trên lưng máy bay được trang bị radar mảng pha chủ động, có thể là giống với kiểu của KJ-2000.
Theo một số nguồn tin, máy bay cảnh báo sớm thế hệ thứ 2 KJ-500 được phát triển trên nền tảng máy bay vận tải Y-9. Nó sử dụng động cơ tuốc bin cánh quạt WJ-6C do Trung Quốc tự sản xuất, công suất tăng lên hơn 5.000 mã lực, trang bị cánh quạt làm bằng vật liệu composite, nâng hiệu suất động cơ, đã giảm tiêu hao nhiên liệu và tiếng ồn. Ngoài ra, Y-9 sử dụng bình nhiên liệu tách rời ở cánh máy bay, dầu mang theo trong máy bay tăng lên khoảng 20 tấn, hành trình tăng trên 5.000 km.
|
Hình ảnh chụp từ phía sau đuôi chiếc KJ-500.
|
Đối với máy bay cảnh báo sớm, nó cần ở lại trên không thời gian dài để duy trì cảnh giới đối với khu vực mục tiêu, vì vậy thời gian ở lại trên không tăng lên đã làm giảm số lần luân phiên máy bay, đã tránh khoảng trống tạo ra khi luân phiên máy bay, tăng cường năng lực nắm chắc tình hình trên không khu vực mục tiêu.
Trước đó, Trung Quốc cũng tự nghiên cứu chế tạo toàn bộ về hệ thống trên máy bay và động cơ của máy bay cảnh báo sớm KJ-200 (dùng khung thân cơ sở máy bay vận tải Y-8). Điều này có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với việc duy trì tính hoàn chỉnh và tính tự chủ về năng lực tác chiến của Không quân Trung Quốc. Loại radar của KJ-200 rất giống với radar mảng pha Erieye do Công ty L.M.Ericsson Thuỵ Điển nghiên cứu chế tạo.
Hoàng Anh