Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn quân đội Hàn Quốc phân tích rằng, Triều Tiên sẽ nâng tầm bắn tên lửa đạn đạo chiến thuật KN-02 từ 120km lên 170km và triển khai trên hơn 30 bệ phóng tự hành TEL.
Ngoài ra, Triều Tiên có thể đã sử dụng hệ thống định vị vệ tinh (GPS) để nâng cao độ chính xác của tên lửa tầm ngắn KN-02, cho bán kính lệch mục tiêu chỉ là 50m (trước nâng cấp là 100m). Hơn nữa tốc độ phóng của tên lửa này nhanh hơn so với tên lửa khác, có thể đạt tầm bắn xa nhất trong thời gian 3-4 phút, sau khi phóng trong vòng 15 phút lại có thể phóng tiếp.
Xét về tổng số xe phóng tên lửa đã triển khai thì Triều Tiên có hơn 100 quả tên lửa tầm ngắn KN-02.
Theo vị quan chức Quân đội Hàn Quốc, KN-02 là tên lửa dùng nhiên liệu rắn đầu tiên mà Triều Tiên phát triển thành công, có ưu thế về thời gian chuẩn bị phóng ngắn, thích hợp cho tác chiến cơ động nhanh, phạm vi bắn bao phủ từ Gyeonggi-do đến Wonju của Hàn Quốc.
|
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-02.
|
Theo trang tin Missile Threat, tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-02 được phát triển dựa trên loại tên lửa OTR-21 Tochka (NATO định danh SS-21 Scarab) của Liên Xô. Năm 1997, Triều Tiên đã nhập khẩu thành công một số lượng nhỏ tên lửa OTR-21 từ Syria để nghiên cứu kỹ thuật.
Việc sản xuất loại tên lửa này bắt đầu từ năm 2006 và chính thức đi vào phục vụ năm 2008. Triều Tiên lần đầu công khai KN-02 trong cuộc duyệt binh tháng 4/2007. Khi đó, đạn tên lửa KN-02 đặt trên bệ phóng di động diễu trên Quảng trường Kim Nhật Thành.
Cũng theo Missile Threat, đạn tên lửa KN-02 có chiều dài 6,4m, đường kính thân 0,65m và trọng lượng phóng hơn 2 tấn. Nó có khả năng lắp đầu đạn thuốc nổ thường nặng 485kg.
Theo thiết kế của Nga, OTR-21 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân công suất 100 kiloton. Vì lẽ đó, KN-02 có thể có khả năng này. Tuy nhiên vấn đề là liệu Triều Tiên chưa đủ công nghệ để thu nhỏ đầu đạn hạt nhân.
Bằng Hữu