Đây là thông tin trích ra từ báo cáo của F. Michael Maloof, quan chức quốc phòng Mỹ về hưu đăng tải trên WorldNetDaily, trang tin tức chính trị ở Washington.
Theo đó, ông Maloof đưa ra một vài giả thiết. Đơn cử, Hải quân Mỹ triển khai tàu sân bay tới Tây Thái Bình Dương trước hành động quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan. Lúc đó, Quân đội Trung Quốc (PLA) có khả năng sẽ sử dụng vũ khí xung điện từ để “knock-out” các thiết bị điện tử trên tàu chiến tối tân Hải quân Mỹ.
Vũ khí xung điện từ này có thể vô hiệu hóa các khu vực mà Trung Quốc muốn nhắm tới. Mất điện, cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nghiêm trọng, hệ thống viễn thông gặp trục trặc là một vài hậu quả có thể lường trước được do vũ khí này gây ra. Do vậy, nhà cựu quan chức Mỹ này mạnh mẽ phê bình Lầu Năm Góc khi không lưu tâm tới việc phát triển các vũ khí xung điện từ của phía Bắc Kinh.
|
Ảnh mô phỏng phạm vi ảnh hưởng của bom xung điện từ lên một thành phố đông dân cư.
|
Ngoài ra, báo cáo này còn trích dẫn nhận định của Lou Xiaoqing, tác giả của bài báo “Bom xung điện từ là quân át chủ bài của Trung Quốc”. Theo đó, Lou cho rằng, Quân đội Trung Quốc có thể sử dụng các vũ khí dạng này để “vô hiệu hóa Đài Loan và khiến hệ thống phòng thủ của Mỹ bị tê liệt” một khi cuộc chiến ở eo biển Đài Loan xảy ra.
Để tránh làm hư hại tới các thiết bị quân và dân sự ở Trung Quốc đại lục, một quả bom hạt nhân có thể được kích nổ ở độ cao cách mặt đất gần 30 km.
Một báo cáo từ Trung tâm Tình báo Mặt đất Quốc gia Mỹ cũng chỉ ra rằng, việc tung ra vũ khí xung điện từ ở độ cao 30-40km sẽ hạn chế những ảnh hưởng của xung điện từ tới Đài Loan và các vùng phụ cận. Ngoài ra, điều này cũng làm giảm thiểu thiệt hại tới các cơ sở vật chất điện và điện tử ở Trung Quốc đại lục.
Thanh Nga (theo WCT)