National Interest trích dẫn bài viết của Phó giáo sư Lyle Goldstein - Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ cho biết, tên lửa hành trình chống hạm YJ-83 là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh nước Mỹ và các quốc gia đồng minh tại khu vực Tây Thái Bình Dương.
Theo Goldstein, nếu như Argentina sở hữu từ 50-100 tên lửa chống hạm Exocet trong giai đoạn xảy ra cuộc chiến tranh Falklands giữa Anh và Argentina vào năm 1982 thì có lẽ mọi chuyện đã khác, lực lượng đặc nhiệm của Hải quân Hoàng gia Anh sẽ không bao giờ có cơ hội đổ bộ lên được quần đảo Falklands.
|
Các tên lửa hành trình chống hạm YJ-83 sẽ là mối đe dọa của Hải quân Mỹ và lực lượng đồng minh trong tương lai.
|
Dựa trên những gì xảy ra ở quần đảo Falklands, trong hơn 30 năm qua Trung Quốc đã dành mọi nguồn lực của mình để phát triển các tên lửa hành trình chống hạm thế hệ mới nhằm đối phó với nguy cơ xảy ra xung đột trên biển với các quốc gia khác.
"Nhờ được trang bị hệ thống radar tiên tiến và các biện pháp đối kháng điện tử, hạm đội tàu chiến và máy bay chiến đấu của Hải quân Trung Quốc trong tương lai sẽ trở thành một mối đe dọa cho sự ổn định trong khu vực", Goldstein cho biết.
Bên cạnh đó, việc đưa vào trang bị thêm 24 máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2 trong năm 2004 mua từ Nga càng giúp cho Trung Quốc tự tin hơn ở cả trên không lẫn trên biển. Với tầm hoạt động lên tới 3.000km, những chiếc Su-30MK2 của Trung Quốc có thể dễ dàng vượt qua được chuỗi đảo đầu tiên kéo dài từ quần đảo Aleutian tới Philippines.
Ngoài ra các máy bay ném bom chiến lược H-6 và cường kích JH-7 cũng sẽ đóng vai trò đáng kể giúp Trung Quốc nắm quyền kiểm soát khu vực vùng biển nằm trong chuỗi đảo thứ nhất. Tuy nhiên, loại vũ khí chủ lực và hiệu quả nhất của Hải quân Trung Quốc vẫn là các tên lửa chống hạm YJ-83.
|
Trung Quốc đang tìm cách tăng cường sức mạnh quân sự trên biển của mình bằng các chương trình phát triển tên lửa chống hạm thế hệ mới.
|
Trích dẫn một báo cáo quân sự do tạp chí quốc phòng Shipborne Weapons thực hiện vào tháng 10/2014 cho biết, tên lửa hành trình chống hạm YJ-83 của Trung Quốc được nhận xét tốt hơn hẳn so với tên lửa chống hạm siêu âm Kh-31 do Nga chế tạo trong một số tình huống tác chiến nhất định trên biển. Với tầm bắn 150km, biến thể xuất khẩu của YJ-83 đã khiến cả thế giới kinh ngạc khi Lebanon dùng tên lửa này tấn công một tàu hộ vệ của Israel vào năm 2006.
Tuy nhiên, YJ-83 mới chỉ là thế hệ tên lửa hành trình chống hạm đầu tiên của Trung Quốc và nó chưa thật sự đủ mạnh để có thể đánh bại được Mỹ và Nhật Bản trong một cuộc xung đột trên biển.
Tuấn Đặng