Theo báo cáo của Tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc doanh Nga (Rostec) vừa công bốcho biết, Ấn Độ, Trung Quốc và Iraq đã mua vũ khí Nga nhiều nhất trong năm 2014.
“Các thiết bị quân sự và vũ khí được chuyển tới 59 nước. Các nước nhập khẩu chính là Ấn Độ (chiếm 25 phần trăm), Trung Quốc (22 phần trăm), Iraq (22 phần trăm), Syria (5 phần trăm), và Venezuela (5 phần trăm). Chia theo khu vực địa lý thì, việc xuất khẩu vũ khí tới thị trường châu Á chiếm 75 phần trăm, châu Mỹ La Tinh chiếm 9 phần trăm, và Trung Đông chiếm 7 phần trăm”, báo cáo của Rostec cho biết và được tờ Armỷecognition ngày 23/7 dẫn lại.
|
Xe tăng T-90 Ấn Độ mua từ Nga.
|
Riêng Iraq đã đặt mua 30 trực thăng tấn công Mi-28 từ Nga, trị giá 2 tỷ USD, cùng với đó là 42 hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Pantsir và các hệ thống pháo phòng không trị giá 2,3 tỷ đồng. Đồng thời Iraq cũng đang có ý định mua các chiến đấu cơ MiG và các xe bọc thép từ Nga.
Báo cáo của Rostec còn tiết lộ, doanh số xuất khẩu vũ khí của Nga đến các nước thuộc Liên Xô cũ đang trên đà sụt giảm nghiêm trọng từ 1,5 tỷ USD trong năm 2013 xuống chỉ còn 370 triệu USD trong năm 2014.
Nhưng nhìn về tổng thể, trong năm 2014, Rostec đã thực hiện 9.400 hợp đồng, nhiều hơn 54 phần trăm so với năm 2013. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga có thể sẽ khiến các công ty con của Rostec bị giảm đi sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong các dự án.
“Các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt chống lại Nga do tình hình khủng hoảng ở Ukraine chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tập đoàn và tổ chức của Rostec. Mặc dù lệnh trừng phạt này không nhằm tới tập đoàn nhưng các công ty con sẽ bị ảnh hưởng do tập đoàn không nhận được vốn đầu tư từ nước ngoài. Các lệnh trừng phạt có thể gây hại cho việc thu hút đầu tư vào các dự án của tập đoàn cũng như lợi nhuận mà Rostec thu được từ cổ phiếu của các công ty con”, báo cáo nhận định.
Đặc biệt đối với các hợp đồng liên quan đến các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao và các thiết bị, vũ khí quân sự của Rostec bị ảnh hưởng nặng hơn. Lý do vì các lệnh trừng phạt của Mỹ đã cấm các công dân và các tổ chức hợp pháp của Mỹ không được thực hiện bất kỳ giao dịch tài chính nào cũng như không được cho Nga vay các khoản mới trong thời hạn kéo dài hơn 30 ngày.
Theo báo cáo của Rostec, lệnh trừng phạt trên áp dụng cho tất cả các công ty con của tập đoàn. Đáng chú ý ở chỗ, các công ty con này lại nắm giữ hơn 50 phần trăm cổ phiếu của cả tập đoàn.
Văn Biên