Trang mạng Thông tin Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc đưa tin, tại triển lãm hàng không quốc tế Seoul (ADEX 2013), công ty Rotem của Hàn Quốc đã chứng thực, xe tăng K2 Black Panther đang được sản xuất hàng loạt, nhưng chỉ đến sau năm 2014 mới có thể bắt đầu bàn giao. Đồng thời, Lục quân Hàn Quốc đã ký mua 100 xe tăng chủ lực K2 và kế hoạch đến năm 2016 sẽ đưa vào phục vụ.
Công ty Rotem dự kiến, số lượng xe tăng K2 mà Lục quân Hàn Quốc đặt hàng sẽ rơi vào khoảng 600 xe, trong đó lô 100 xe đầu tiên sẽ được trang bị động cơ diesel MTU 883.
|
Xe tăng K2 có trọng lượng tới 55 tấn nhưng vẫn có thể đạt tốc độ tối đa tới 70km/h trên đường bằng phẳng.
|
Công ty Rotem hy vọng đơn hàng xe tăng tiếp theo có thể trang bị động cơ do công ty nội địa Doosan DST sản xuất và hộp số do S&T Dynamics khai thác, mặc dù 2 bộ phận này đều do một số vấn đề kỹ thuật mà phải hoãn trang bị.
Rotem cho rằng, xe tăng K-2 tiến hành sẽ thay thế hàng loạt xe tăng K1A1 ở các đơn vị tiền tuyến (có thể là nằm sát khu phi quân sự DMZ).
K2 Black Panther là mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại do Hàn Quốc tự phát triển với công nghệ tiên tiến. Nó được trang bị pháo nòng xoắn L/55 cỡ nòng 120mm, so với pháo nòng xoắn L/11 120 mm của xe tăng K1A1 thì hiệu quả tốt hơn. Đặc biệt, K2 trang bị hệ thống nạp đạn tự động giúp cố xe tăng tốc độ bắn, giảm kíp xe từ 4 xuống 3 người.
Xe trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến cho phép theo dõi và tấn công không chỉ xe tăng mà còn trực thăng bay thấp. Hơn nữa, hệ thống điều khiển hỏa lực này có thể phát hiện, theo dõi và điều khiển pháo bắn tự động mục tiêu nhìn thấy mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào từ con người.
|
Pháo tăng trên K2 có uy lực mạnh mẽ, độ chính xác cao nhờ hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại.
|
Pháo 120mm của K2 có thể bắn nhiều loại đạn, đặc biệt nhất là đạn thông minh KSTAM đạt tầm bắn 2-8km. Đạn KSTAM có hệ thống dẫn đường và tránh vật cản riêng với bộ cảm ứng bức xạ, radar băng tần mm và đầu nổ EFP.
Sau khi bắn ra, đạn KSTAM sẽ được ổn định với 4 cánh trên đuôi và bay thẳng đến khu vực mục tiêu đã tính toán. Khi bay gần đến mục tiêu, một chiếc dù được bung ra giúp viên đạn chuyển động chậm lại và rơi xuống. Trong quá trình đó, radar sẽ phát tín hiệu và các cảm ứng có đủ thời gian để tìm kiếm mục tiêu phía dưới. Khi xác định được mục tiêu (cố định hoặc di động), viên đạn sẽ bắt đầu nổ vào trúng nóc xe tăng – đây thường là điểm bọc giáp mỏng, dễ xuyên phá.
Hệ thống phòng vệ của K2 ngoài lớp giáp tổng hợp, đa lớp còn có thể trang bị giáp phản ứng nổ và hệ thống phòng chủ động gồm thiết bị cảnh báo, đánh chặn đạn tên lửa chống tăng của đối phương.
Có thể nói, K2 là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại nhất thế giới hiện nay, nó vượt xa các mẫu xe tăng nội địa của Triều Tiên về hỏa lực, phòng vệ, động cơ… Tuy nhiên, do áp dụng những giải pháp công nghệ tối tân nên đã đẩy giá trị của một chiếc K2 lên rất cao, tới 8,5 triệu USD/chiếc – xe tăng đắt thứ 3 trên thế giới.
Bằng Hữu