Nhờ TQ, Nga sắp có máy bay huấn luyện sơ cấp mới

Google News

(Kiến Thức) - Dựa trên thành quả hợp tác phát triển máy bay huấn luyện CJ-7 với TQ, Nga đã có đủ cơ sở để nghiên cứu chế tạo máy bay huấn luyện sơ cấp mới.

Đài Tiếng nói nước Nga cho hay, Bộ Quốc phòng Nga gần đây đã cùng với Cục Thiết kế Yakovlev ký hợp đồng nghiên cứu máy bay huấn luyện phù hợp cho Không quân Nga dựa trên mẫu thiết kế CJ-7 (hay còn gọi là L-7) do Công ty hàng không Hồng Du (Trung Quốc) hợp tác với Yakovlev phát triển dựa trên mẫu Yak-152.
Công tác nghiên cứu máy bay huấn luyện CJ-7 do Trung Quốc và Nga hợp tác bắt đầu từ năm 2006, đến năm 2010 thì hoàn thành lần bay đầu tiên, và được trưng bày tại triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế Châu Hải.
Bây giờ, Cục thiết kế Yakovlev sẽ phải nghiên cứu loại máy bay huấn luyện cho Không quân Nga. Với những kinh nghiệm tích lũy được trong hợp tác với Trung Quốc, công tác nghiên cứu này dự định sẽ sớm có kết quả.
 Máy bay động cơ cánh quạt, 2 chỗ ngồi CJ-7 (L-7) được thiết kế cho nhiệm vụ huấn luyện ban đầu cho học viên phi công. Nó được trang bị một động cơ piston Vedeneyev M14X cho tốc độ 360km/h, tầm bay 1.300km, trần bay 8.000m.
Theo nguồn tin, bản vẽ thiết kế máy bay sẽ hoàn thiện trước 30/9/2014 và bắt đầu chế tạo thử 4 mẫu. Đến 30/9/2016 sẽ hoàn thành công tác bay thử nghiệm và bắt đầu sản xuất hàng loạt. Dự kiến, Bộ Quốc phòng Nga sẽ mua khoảng 250-300 chiếc loại này.
Ông Vasiliy Kashin cho rằng, các chuyên gia Nga nghiên cứu máy bay huấn luyện kiểu mới cho khách hàng nước ngoài, không chỉ tích lũy kinh nghiệm mà còn có được nguồn vốn tài trợ, điều này chắc chắn sẽ giúp đẩy nhanh sự ra đời của máy bay huấn luyện sơ cấp kiểu mới Nga.
Ngành công nghiệp quốc phòng của Nga chủ yếu dựa vào việc nghiên cứu vũ khí trang bị cho khách hàng nước ngoài và đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì tiềm lực công nghiệp quốc phòng Nga giai đoạn những năm cuối 1990 và đầu thế kỷ 21. Tất nhiên, trong phương diện này thì Nga không chỉ giới hạn hợp tác với Trung Quốc, cũng không chỉ giới hạn trong lĩnh vực hàng không.
Điển hình, hệ thống tên lửa phòng không nghiên cứu mới nhất của Nga S-350 Vityaz chủ yếu được dựa trên thành quả nghiên cứu có được từ việc thiết kế hệ thống phòng không tầm trung cơ động KM–SAM cho Hàn Quốc.
Theo quan chức Nga, việc nghiên cứu thiết kế cho khách hàng Trung Quốc ngày càng trở thành nội dung quan trọng trong hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa 2 nước.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế ngày càng phức tạp, trong tương lai hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ mật thiết hơn. Mở rộng quy mô hợp tác có thể giúp hai bên giảm thiểu chi phí, đẩy nhanh tiến bộ về công nghệ.
Bằng Hữu