"Chúng tôi đã nhận được nhiều lời đề nghị của các quốc gia ở Trung Đông, châu Phi và thậm chí là ở Nam Mỹ cũng muốn mua tiêm kích JF-17 Thunder do Trung Quốc và Pakistan hợp tác sản xuất”, Chủ tịch Tổ hợp Hàng không Pakistan Sohail Gul Khan nói.
"Trong những chuyến đi của tôi đến nhiều quốc gia, gần như tất cả quan chức mà tôi đã gặp đều hỏi tôi về tiêm kích mới này cũng như ngỏ lời muốn cùng tham gia dự án phát triển JF-17 Thunder”, ông Khan cho hay.
Ông còn nói thêm rằng, JF-17 là “tiêm kích tiềm năng" và có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ và sở hữu hệ thống điện tử tuyệt vời.
|
Tiêm kích JF-17 của Không quân Pakistan. |
JF-17 Thunder là chiến đấu cơ đa chức năng thế hệ
thứ 3 do Tổ hợp Công nghiệp Hàng không Thành Đô (Trung Quốc) và Tổ hợp
Hàng không Pakistan hợp tác phát triển, sản xuất (đơn giá 15-20 triệu
USD/chiếc). Trong đó, Thành Đô đảm nhiệm việc nghiên cứu phát triển máy
bay, còn Pakistan thực hiện sản xuất và dịch vụ bảo dưỡng.
JF-17 là một ví dụ điển hình về sự hợp tác tích cực giữa ngành công nghiệp hàng không Pakistan và Trung Quốc. Những thành tựu mà Tổ hợp Hàng không Pakistan đạt được trong suốt 40 năm qua chủ yếu nhờ vào sự hợp tác với phía Trung Quốc .
Cũng theo ông Khan, Tổ hợp Hàng không Pakistan sản xuất hơn 40 tiêm kích JF-17 và dự án hợp tác giữa Trung Quốc-Pakistan về chiến đấu cơ này vẫn được tiến hành.
“Đội ngũ nghiên cứu của hai quốc gia sẽ tập trung vào việc nâng cấp vũ khí và hệ thống điện tử. Trong tương lai, biến thể cải tiến JF-17 thiết kế tăng khả năng tàng hình và trang bị thêm hệ thống tiếp nhiên liệu trên không”, ông Khan cho hay.
Ngoài ra, Không quân Pakistan cũng đang để mắt đến những chiến đấu cơ khác của Trung Quốc. Nước này có thể đưa ra đề nghị hợp tác sản xuất những mẫu máy bay chiến đấu đó trong tương lai với phía Bắc Kinh.
Những ý kiến của ông Khan được đưa ra vào ngày hôm qua sau khi phi đội 6 tiêm kích JF-17 Thunder của Không quân Pakistan hộ tống máy bay Boeing 747 chở Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khi đi vào không phận nước này.
Hiện đại mà rẻ
Tiêm kích JF-17 Thunder được xem là một trong những loại chiến đấu có giá rẻ nhất thế giới (khoảng 15-20 triệu USD/chiếc), nhưng vẫn sở hữu hệ thống điện tử hàng không hiện đại, vũ khí chính xác cao.
JF-17 có chiều dài 14,97m, cao 4,77m, sải cánh 9,46m, trọng lượng cất cánh tối đa 12,7 tấn. Máy bay trang bị một động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy RD-93 cho phép đạt tốc độ tối đa vượt âm thanh Mach 1,8, bán kính chiến đấu 1.500km, trần bay 16,7km.
Máy bay thiết kế với hệ thống điện tử hàng không tiên tiến gồm radar điều khiển hỏa lực đa chế độ KLJ-7 do Viện Nghiên cứu Công nghệ Điện tử Nam Kinh (Trung Quốc) chế tạo. Radar có thể theo dõi 10 mục tiêu và tiêu diệt đồng thời 2 mục tiêu. Tầm phát hiện mục tiêu phía trước máy bay là trên 75km và phía sau là 35km, phát hiện mục tiêu trên biển cách 135km.
Ngoài ra, máy bay còn trang bị hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống định vị vệ tinh, hệ thống chiến tranh điện tử.
|
JF-17 mang 2 đạn tên lửa chống tàu C-802. |
Buồng lái JF-17 khá tiện nghi với 3 màn hình màu tinh thể lỏng đa năng hiển thị thông số kỹ thuật bay, tình trạng vũ khí, thông tin trên màn hình có thể bằng tiếng Trung hoặc nhiều ngôn ngữ khác. Phi công lái máy bay còn trang bị hệ thống ngắm mục tiêu tích hợp trên mũ bay.
Về hệ thống vũ khí, JF-17 thiết kế với 7 giá treo có thể mang 3,6 tấn vũ khí làm nhiệm vụ tấn công diệt mục tiêu trên không, trên đất liền và mặt biển.
Để thực hiện nhiệm vụ đối không, JF-17 mang tên lửa không đối không tầm ngắn PL-5E (tầm bắn 18km), PL-9C (22km), tên lửa đối không tầm xa PL-12 (tầm bắn 70-100km).
Trong nhiệm vụ tấn công mục tiêu mặt đất, JF-17 có thể mang bom dẫn đường quang điện H-2/H-4, bom dẫn đường vệ tinh LS-6, bom dẫn đường laser LT-2 hoặc bom, rocket không điều khiển.
Đối với tác chiến chống mục tiêu mặt nước, JF-17 mang tên lửa hành trình chống tàu C-802A (tầm bắn 180km) hoặc C-803 (tầm bắn 255km).
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU
Nhật Anh - Hoàng Lê