Theo nguồn tin từ hãng Yonhap, vào hồi 12 giờ 05 phút ngày 4/2/2016, một máy bay vận tải An-2 (Hàn Quốc gọi là T-11) của Không quân Hàn Quốc đã bị hỏng động cơ khi đang bay. Phi công đã quyết định điều khiển máy bay ở chế độ lượn và hạ cánh khẩn cấp xuống một con sông ở tỉnh Andong, vùng duyên hải đông nam Hàn Quốc.
|
Ảnh minh họa: Vụ tai nạn máy bay An-2 của Không quân Hàn Quốc vào ngày 25/6/2015 |
Địa điểm máy bay rơi cách một ngôi làng chỉ vài trăm mét, gần Viện công nghiệp sinh học Gyeongbuk. Chiếc máy bay bị hư hỏng và tràn nhiên liệu do phải hạ cánh khẩn cấp. Rất may là cả hai thành viên phi hành đoàn đều an toàn, và đã được cứu hộ kịp thời.
|
Có thể thấy rõ phù hiệu Không quân Hàn Quốc trên thân chiếc An-2 (còn gọi là T-11) |
Theo các nhà chức trách, chiếc máy bay đang trên đường trở về căn cứ ở Cheongju, tỉnh Bắc Chungcheong. Chưa rõ nguyên nhân gây ra vụ tai nạn, song rất có thể đây là do trục trặc về động cơ của máy bay.
Một điều làm nhiều người ngạc nhiên, loại máy bay cánh kép T-11 này chính là máy bay Antonov An-2 do Liên Xô/Nga sản xuất. Đây là loại máy bay hai tầng cánh, trang bị một động cơ Shvetsov ASh-62R công suất 1.000 mã lực, khối lượng cất cánh tối đa 5.500kg.
Cất cánh lần đầu năm 1947, cho đến nay, Antonov An-2 vẫn được sử dụng ở khá nhiều quốc gia, cả trong lĩnh vực dân sự và quân sự, cả sở hữu nhà nước và tư nhân.
Ưu điểm của loại máy bay này là giá thành rẻ, dễ điều khiển, và có thể cất cánh ở những đường băng ngắn, đường băng dã chiến. Tại Liên Xô trước đây, các nông trang tập thể thường có đường băng cho máy bay An-2 cất cánh để phun thuốc trừ sâu hay gieo hạt.
Trong quân sự, An-2 thường được sử dụng cho huấn luyện nhảy dù, hay thực hiện các đòn tấn công đường không, thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt ở tầm siêu thấp. An-2 có thể bay ở tốc độ rất thấp, và thậm chí ngay cả khi động cơ bị hỏng và không hoạt động, máy bay vẫn có thể “lượn” để hạ cánh xuống mặt đất. Chính tính năng này đã giúp các phi công có thể hạ cánh mà không gặp thương tích nặng.
|
Có thể thấy cách xử lí của phi công Hàn Quốc trong cả hai vụ tai nạn đều là cho máy bay lượn vòng để đáp xuống sông, hồ |
Trước đó, vào lúc 13 giờ 09 phút ngày 25/6/2015, cũng tại tỉnh Bắc Chungcheong, một chiếc Antonov An-2 mang số hiệu HL-1090 của Không quân Hàn Quốc cũng đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống Okcheon, cách Seoul 174km về phía Nam. Trong số ba thành viên phi hành đoàn, chỉ có một người bị thương ở chân và được đưa đến bệnh viện gần đó.
|
Một góc chụp khác của vụ tai nạn ngày 25/06/2015 |
Chưa rõ Hàn Quốc có được các máy bay An-2 (hay còn gọi là T-11) từ nguồn nào. Nhưng có thể khẳng định: Nước này vẫn đang sử dụng An-2 cho các hoạt động quân sự, mà chủ yếu là huấn luyện nhảy dù. Đáng lưu ý, Triều Tiên cũng đang biên chế số lượng rất lớn An-2 cho lực lượng quân dù, lính đặc biệt.
Thanh Hoa