MIC vốn là nhà sản xuất xe thiết giáp bộ binh chính của Nga, với những mẫu BTR-60, 70, 80 đã đi vào huyền thoại. Theo tuyên bố của công ty này tại triển lãm quốc phòng Nga (RAE 2013) tại Nizhny Tagil, họ có thể sản xuất 200 đến 300 chiếc BTR-82A một năm.
Mặc dù có hình dáng bề ngoài giống với loại BTR-80A nhưng thực sự thì BTR-82A có nhiều điểm cải tiến đáng kể. Tuy không phải là một sự cách tân lớn nhưng nhà sản xuất khẳng định rằng sức chiến đấu của BTR-82A là tăng gấp đôi so với thiết kế cũ.
Những thay đổi chính là sử dụng động cơ công suất 300 mã lực mới thay cho động cơ Kamaz 260 mã lực cũ, giúp tăng tốc độ trên đường tốt lên tới 100km/h (nhanh hơn BTR-80 từ 10-20km/h) và tầm di chuyển tăng lên 600km. Hệ thống truyền động và giảm xóc cũng được nâng cấp để đáp ứng khối lượng tăng từ 14,55 tấn của BTR-80A lên 15,4 tấn.
|
"Taxi chiến trường" - xe thiết giáp chở quân BTR-82A. |
Sức mạnh chiến đấu của BTR-82A là tháp pháo điều khiển bằng điện lắp pháo cỡ 30mm 2A72 và súng máy 7,62mm PKTM, đi kèm với kính ngắm TKN-4GA-02. Tháp pháo có thiết kế mới giúp khói đạn không tràn vào trong xe vì vũ khí đã được đặt ra bên ngoài, hơn nữa giúp cho góc bắn của vũ khí tăng lên từ -7 đến 70°.
Mặc dù, Quân đội Nga đã đồng ý với BTR-82A nhưng số phận lại hẩm hiu hơn với mẫu BTR-82 vốn có hỏa lực nhẹ hơn với đại liên 14,5mm KVPT và súng máy PKTM.
Về thiết kế bên ngoài và khả năng chống đạn thì BTR-82A giống với BTR-80A, nhưng khả năng sống còn của kíp xe thì cao hơn nhiều với việc lắp đặt các tấm ngăn chống mảnh, ghế treo và hệ thống dập lửa tự động.
Bên cạnh mẫu xe của dòng họ BTR-80 cải tiến này, Quân đội Nga cũng lên kế hoạch thay thế hẳn nó với chiếc Bumerang (Boomerang), một trong 5 mẫu xe thiết giáp hoàn toàn mới vốn dự kiến gia nhập biên chế Nga từ năm 2015. Nhiều nguồn tin cho biết, chiếc xe thiết giáp này đã được sản xuất, nhưng nhà sản xuất chưa sẵn sàng giới thiệu công khai nó.
Thiết kế của Boomerang được tin sẽ là một sự đổi mới hoàn toàn, giống với các mẫu xe phương Tây hơn với việc chuyển động cơ từ đuôi xe lên phía trước, không giống như thế hệ BTR-60,70, 80. Sự thay đổi này nhằm mục đích tăng thêm không gian phía sau và gia cố thêm đầu xe, vốn thường nhiều khả năng bị tấn công nhất. Và hơn nữa, cũng giúp cho việc hoán cải công năng chiếc xe sang những nhiệm vụ chuyên biệt như cứu thương, chỉ huy hay xe mang vũ khí chuyên biệt.
Giống như BTR-80, Boomerang có đầy đủ khả năng “bơi lội”. Một phiên bản sẽ trang bị vũ khí giống với loại xe bánh xích Kurganet, vốn sẽ thay thế cho BMP-3 trong tương lai.
Quang Minh