Hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin cho hay, một công ty luyện kim có trụ sở tại vùng Ural, Nga đã tiến hành phục chế thành công chiếc xe tăng hạng nặng T-35 dựa trên bản vẽ gốc có từ thời Liên Xô của nó. Và chiếc T-35 này vẫn sẽ được đặt tại bảo tàng quân sự thuộc quyền quản lý của Công ty Khai thác mỏ và luyện kim Ural (UMMC).
Farit Khafizov trưởng bộ phận cơ giới của nhà máy OAO Uralelectromed (một công ty con của UMMC) trả lời phỏng vấn TASS cho biết, công việc tái tạo chiếc T-35 kéo dài hơn 5 tháng. Đã có hơn 1.000 bộ phận mới của chiếc xe tăng đã được Uralelectromed chế tạo lại theo bản vẽ gốc của T-35 có từ thời Liên Xô.
|
Nguyên mẫu T-35 do nhà máy Uralelectromed phục chế sau hơn 5 tháng làm việc miệt mài.
|
Trọng lượng của chiếc T-35 lên tới 55 tấn, chiều dài phần thân lên tới gần 10m, cao 3,5m và nó được trang bị tới 5 tháo pháo, tuy nhiên chiếc T-35 này lại không có động cơ nên nó chỉ có giá trị như một hiện vật lịch sử.
Cũng theo vị quan chức này, xe tăng hạng nặng T-35 được thiết kế tại Kharkiv (Ukraine) vào những năm 1930, đã sản xuất tổng cộng 59 chiếc T-35. Điểm nhấn của T-35 tất nhiên là hệ thống vũ khí gồm 5 tháp pháo của nó và bên cạnh đó còn được trang bị một động cơ diesel có công suất 500 mã lực được Liên Xô sản xuất theo giấy phép của BMW.
Dù được trang bị động cơ khá mạnh, nhưng T-35 chỉ có tốc độ di chuyển tối đa khoảng 10-35km/h. Do khả năng cơ động hạn chế của nó nên chỉ có vài chiếc T-35 được Quân đội Liên Xô đưa vào tham chiến trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 và số còn lại bị phá hủy khi chưa kịp tham chiến.
Giai đoạn đầu của Chiến tranh Thế giới thứ 2 vào tháng 9/1939, xe tăng hạng nặng T-35 phục vụ trong lữ đoàn xe tăng số 5 đóng tại Moscow. Nó chủ yếu được sử dụng trong các nghi lễ của Quân đội Liên Xô, tham gia duyệt binh và một số sự kiện mang tính tuyên truyền khác.
|
Dù không được trang bị động cơ nhưng việc phục chế thành công T-35 được xem là nỗ lực rất lớn của UMMC.
|
Đến năm 1940, Quân đội Liên Xô dần cảm thấy T-35 đã lỗi thời và bắt đầu tận dụng mẫu xe tăng này bằng cách đẩy nó ra chiến trường. Phần lớn những chiếc T-35 được chuyển đến các trung đoàn tăng thiết giáp số 34, 67 và 68 của Liên Xô lúc đó đang đóng tại Kiev, Ukraine. Khi Quân Đức xâm lược Liên Xô vào năm 1941, T-35 chính thức tham chiến, có điều khá trớ trêu là một phần những chiếc T-35 bị loại khỏi vòng chiến không phải do hỏa lực của Đức mà do lỗi phát sinh của dòng xe tăng này trên chiến trường.
Hiện nay Nga chỉ còn lưu giữ một nguyên mẫu duy nhất trên thế giới của T-35 và chiếc thứ hai chỉ mới được Uralelectromed phục chế lại. Trong suốt một quảng thời gian dài trước chiến tranh T-35 được xem biểu tượng của Quân đội và sức mạnh của ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô, nhất là với thiết kế độc nhất của nó.
Trà Khánh