Theo tờ Business Insider, chiếc máy bay này đã cất cánh từ căn cứ không quân Offutt, (bang Nebraska, Mỹ), trên Đại Tây Dương nó được tiếp nhiên liệu bởi một chiếc KC-135 Stratotanker xuất phát từ căn cứ không quân Mildenhall của Anh. Đây là căn cứ luôn đóng một vai trò hỗ trợ tích cực trong các chiến dịch hàng không băng qua Đại Tây Dương của Mỹ.
Boeing WC-135 Constant Phoenix là máy bay trang bị các thiết bị đặc biệt cho phép nó thu thập các mảnh vụn và bụi khí thải trên vùng khí quyển mà nó đi qua để xác định địa điểm diễn ra một vụ nổ hạt nhân nào đó.
WC-135 được vận hành bởi phi hành đoàn 33 người gồm cả phi công, nhân viên bảo trì và vận hành các thiết bị đặc biệt của không quân. Tuy nhiên, trong mỗi chuyến bay làm nhiệm vụ, phi hành đoàn của nó đều được giảm tới mức tối thiểu nhằm bảo vệ mọi người tránh bị phơi nhiễm phóng xạ.
|
"Thợ săn phóng xạ" WC-135.
|
Hiện nay chỉ có 2 chiếc loại này là WC-135W (mã hiệu 61-2667) được chế tạo trên nguyên mẫu chiếc Boeing-135 và WC-135c (mã hiệu 62-3582) được hoán đổi từ một chiếc EC-135C. Chúng khác nhau chủ yếu ở bộ phận thu mẫu khí được trang bị trên máy bay.
Cả 2 nằm dưới sự kiểm soát của Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật không quân (AFTAC) đóng tại Căn cứ Không quân Patrick (bang Florida, Mỹ) nhưng được vận hành bởi Phi đội trinh sát 44 và 45 tại Căn cứ không quân Offutt.
Từ khi được đưa vào sử dụng, WC-135 đã thực hiện rất nhiều phi vụ săn tìm dấu vết của phóng xạ hạt nhân trên khắp các vùng Viễn Đông, Ấn Độ Dương, Vịnh Bengal, Địa Trung Hải, các vùng cực và các bờ biển của Nam Mỹ và châu Phi. Nhiệm vụ gần đây nhất là vào hồi đầu năm 2013, chiếc WC-135W được phái đến Triều Tiên để xác minh dự đoán về một vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Trở lại với sự kiện lần này, trong bối cảnh tình hình khu vực Trung Đông-Bắc Phi hiện nay, việc chiếc WC-135C bất ngờ có mặt tại Anh khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Có phải nó đang trên đường đến Syria để săn tìm tung tích của chất độc hóa học?
Như đã nói WC-135 Constant Phoenix là máy bay chuyên dùng để “đánh hơi” vết tích của phóng xạ hạt nhân nhưng cũng là điều rất bình thường nếu nó được trang bị thêm các thiết bị phát hiện các chất độc hóa học. Thậm chí có những phỏng đoán cho rằng nó có thể tìm ra các vết chất độc lẫn vào trong không khí sau khi chúng được phát tán 1 tuần.
Cũng có thể loại bỏ khả năng chiếc WC-135 này được điều đến vùng Fukushima của Nhật hay Bắc Triều Tiên như những phi vụ gần đây của nó vì khi đó máy bay sẽ phải bay theo tuyến đường Thái Bình Dương, qua Hawaii chứ không phải bay theo tuyến Đại Tây Dương và dừng tại Anh.
Anh Trần