Bất trắc giữa biển cả mênh mông có thể ập đến với ngư dân bất cứ lúc nào. Để họ vững tin ra khơi, bám biển, hải quân thuộc lữ đoàn 127 Vùng 5 Hải quân luôn túc trực, sẵn sàng lao ra biển lớn mỗi khi có tín hiệu “kêu cứu”...
Vào lúc 16h45 ngày 2/4/2014, tin báo từ Sở chỉ huy Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân: “Có một tàu của dân bị va mắc cạn tại khu vực hòn Dâm 2 thuộc quần đảo An Thới, Phú Quốc”...
“Sinh ra lần thứ 2”
Thiếu tá Chế Đình Lập - thuyền trưởng tàu 466 - nhận lệnh từ chỉ huy, lập tức thông báo kế hoạch tác chiến với anh em trên tàu. 5h chiều tàu 466 nhổ neo, thẳng hướng nam đông nam tiến về hòn Dâm.
|
Tàu hải quân 466 cứu kéo một tàu bị nạn - Ảnh: Hải quân Vùng 5. |
“Lúc đó, tàu đang trực chiến tại cảng của lữ đoàn, khi có lệnh là xuất phát ngay” - thiếu tá Lập cho biết. Tàu đi được khoảng 5 hải lý thì bóng dáng tàu gỗ sơn xanh có dòng chữ Phương Nam đỏ đã hiện ra ở khu vực phía nam hòn Dâm: tàu mang số hiệu KG 94097.
Tàu chìm lập lờ, 2/3 thân tàu mắc cạn làm khoang hàng bị thủng. Trên tàu chở 900 cây nước đá, trọng tải lớn nên nguy cơ lật và chìm rất cao. Ngay lúc ấy, mục đích cứu người được ưu tiên số 1.
Anh em chiến sĩ tàu 466 tính toán cập mạn tàu hàng. “Trên tàu có ba người. Họ ướt sũng từ đầu đến chân. Người thì ngồi trên thùng xốp, người đứng trên thùng nước đá. Cả ba đều mệt lả vì đói, rét.
Họ cho biết tàu đang chở đá (dùng xay ra để muối cá) từ cảng Tắc Cậu (Kiên Giang) về cảng Dương Đông (Phú Quốc) thì gặp nạn. Thuyền trưởng tàu là ông Trần Hoài Nam, thường trú tại xã Hòn Thơm (Phú Quốc).
Vất vả vì gió lớn, sóng to chồm tới mạn tàu nhưng lính hải quân đã nhanh chóng chuyển ba thuyền viên này sang tàu rồi quay về cảng 2 của lữ đoàn để cấp cứu.
“Trên tàu cả ba thuyền viên than đói, anh em hải quân dọn cơm cho họ ăn”, thuyền trưởng tàu 466 kể lại.
Nhiệm vụ ban đầu là cứu người nhưng sau đó người dân mong muốn được cứu tài sản. Chủ tàu kể rằng anh em họ - mấy gia đình đã bán hết nhà cửa để mua được chiếc tàu ấy, chấp nhận đi ở nhà thuê để có tàu ra biển làm ăn.
Thuyền trưởng Lập liền báo với Sở chỉ huy Bộ tư lệnh Vùng 5. Sở chỉ huy bảo tìm phương án giúp họ cứu tàu. Sáng 3-4, lữ đoàn cử thêm tám lính hải quân ra cứu tàu. Suốt nhiều tiếng chịu lạnh tê cứng, những người lính hải quân đã giúp tàu bị nạn nổi lên, sau đó tàu 466 kéo về tới cảng cá An Thới.
“Thuyền viên tàu bị nạn bắt tay thủ trưởng, họ bảo rằng họ như được sinh ra lần thứ hai. Họ cảm ơn vì không rơi vào bước đường cùng trắng tay”, thiếu tá Lập kể lại và cho biết bản thân anh lúc ấy cũng rất vui mừng, xúc động.
|
Tàu chở nước đá KG - 94097 mắc cạn tại khu vực nam hòn Dâm 2 (quần đảo An Thới, Phú Quốc, Kiên Giang) - Ảnh: Hải quân Vùng 5. |
Cứu tinh trên biển
Như những người lính hải quân khác, Hải quân Vùng 5 ngày đêm giữ vững chủ quyền biển đảo phía tây nam của Tổ quốc, họ được xem như cứu tinh của dân đi biển.
Theo đại tá Hoàng Công Tân - phó lữ đoàn trưởng lữ đoàn 127, hiện nay do biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp nên công tác tìm kiếm cứu nạn được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của lữ đoàn.
Vì thế đại tá Tân cho biết đơn vị xây dựng kế hoạch huấn luyện chi tiết, đồng bộ từ con người, phương tiện trang bị thật tốt để khi có lệnh cứu nạn là đi ngay.
Giúp dân - đó là mệnh lệnh từ trái tim của bất cứ người lính hải quân nào. Thiếu tá Chế Đình Lập nói rằng anh xem tính mạng của ngư dân như chính tính mạng mình, cứu tài sản cho ngư dân cũng như chính tài sản bản thân.
Cũng tấm lòng tận tụy ấy, thiếu tá Trần Văn Quang - thuyền trưởng tàu 976 - bảo người lính các anh luôn cố gắng để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh nhiệm vụ tuần tra trên biển, hễ có lệnh đi tìm kiếm cứu nạn là tàu hải quân đi ngay. Sóng gió, mưa bão, tàu thuyền cá vào bờ ẩn nấp, trú tránh thì những người lính lại ra khơi.
Thiếu tá Quang nhớ lại nửa đêm một ngày tháng 6-2015, tàu 976 trực tại cảng hải đội 511 của lữ đoàn 127 thì phát hiện một chiếc tàu đứt neo đang trôi vào khu vực cảng của hải đội. Nửa đêm nhưng anh em trên tàu lập tức tìm mọi cách để kéo tàu vào cảng nhanh nhất, an toàn nhất.
“Anh em vừa làm vừa báo cáo về Sở chỉ huy. Vì nếu chậm trễ, tàu sẽ va vào tàu chiến của đơn vị. Khu vực đối diện lại rất đông bè nuôi thủy sản của ngư dân. Tàu dạt về đó, thiệt hại tài sản của người dân sẽ rất lớn”, thiếu tá Quang kể.
Cán bộ, chiến sĩ ở đây cho biết mùa cuối năm tháng 11, 12 là mùa biển động, sóng gió dữ dội. Lúc này lính hải quân luôn sẵn sàng để ứng phó kịp thời.
Thiếu tá Quang cho biết ban đêm có rất nhiều ghe của ngư dân neo đậu không chắc, bị sóng đánh đứt neo, lại không có người nên trôi dạt. Nhiều đêm khi phát hiện có ghe trôi dạt, cán bộ, chiến sĩ ở đây lập tức ứng cứu.
Đại tá Nguyễn Duy Tỷ - nguyên lữ đoàn trưởng, nay là phó tư lệnh, tham mưu trưởng Vùng 5 Hải quân - bảo có lẽ sự kiện cứu dân trong cơn bão số 5 tháng 11-1997 là điển hình nhất.
Hồi đó mặc dù chưa có kinh nghiệm trong phòng chống bão và tìm kiếm cứu nạn, nhưng khi biết tin bão sẽ đổ bộ vào vùng biển tây nam, lữ đoàn đã điều ngay hai tàu 637 và 632 ra khơi làm nhiệm vụ cứu hộ.
Sau nhiều ngày đêm tổ chức tìm kiếm, các tàu của lữ đoàn đã cứu sống được hàng trăm ngư dân thoát khỏi tử thần, đến nay dù đã qua gần 20 năm nhưng thỉnh thoảng vẫn có ngư dân tìm đến thăm hỏi tỏ lòng biết ơn việc làm ấy của lữ đoàn.
Hiện nay, lữ đoàn 127 đã được quân chủng Hải quân trang bị thêm nhiều tàu chiến, tàu cứu nạn, vũ khí hiện đại để trở thành lực lượng chủ lực thường trực bảo vệ và cứu hộ cứu nạn vùng biển tây nam.
Các năm qua lữ đoàn đã tổ chức hàng ngàn lượt tàu đi hàng vạn hải lý tuần tra kiểm soát, bảo vệ chủ quyền, tham gia cứu hộ cứu nạn, cứu sống hàng trăm ngư dân gặp nạn trên biển.
Theo Tuổi Trẻ