J-20 Trung Quốc khoe tên lửa

Google News

(Kiến Thức) - Các trang mạng Trung Quốc đang lan truyền các hình ảnh về mẫu thử nghiệm công nghệ tiêm kích tàng hình J-20 lần đầu mang tên lửa đối không.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, hình ảnh đầu tiên xuất hiện trên diễn đàn iissbbs.com, mẫu thử nghiệm J-20 số hiệu 2002 lăn bánh trên sân bay ở Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên) trang bị tên lửa không đối không tầm ngắn dẫn đường hồng ngoại PL-10, loại có thể so sánh với AIM-9X Sidewinder (Mỹ).

Tuy nhiên, theo trang mạng Defence-Update, thì loại tên lửa mà mẫu thử 2002 đeo là tên lửa đối không tầm trung R-77 do Nga sản xuất.

Thực tế thì quan sát kỹ hình thù của quả tên lửa thì rõ ràng, nó giống hệt R-77 với các cánh điều khiển ở giữa thân và đuôi đều là hình chữ nhật. Trong khi đó, tên lửa PL-10 không có cánh điều khiển ở giữa thân và có cánh nhỏ ở đuôi.
Hình ảnh mẫu thử 2002 J-20 mang tên lửa đối không ở bên sườn.

Theo Hoàn Cầu, các tiêm kích tàng hình hầu hết đều thiết kế khoang vũ khí trong thân nhằm làm giảm tối đa diện tích phản xạ sóng radar (RCS). Cả J-20 và F-22 của Mỹ đều dùng khoang vũ khí trung tâm dưới thân mang tên lửa không đối không tầm trung-xa và khoang vũ khí 2 bên sườn nhỏ mang tên lửa đối không tầm ngắn, sử dụng trong không chiến tầm gần.

Tuy nhiên, theo lập luận đó thì việc mẫu thử J-20 2002 mang tên lửa đối không tầm trung R-77 ở khoang vũ khí nhỏ bên sườn lại khá kỳ lạ.

J-20  là máy bay tiêm kích tàng hình 2 động cơ thế hệ thứ 5 do Tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô sản xuất nhằm phục vụ cho Không quân Trung Quốc.

Ngày 11/1/2011, tiêm kích J-20 của Trung Quốc đã bay thử lần đầu tiên  tại sân bay Thành Đô, Tứ Xuyên.  

J-20 có thiết kế hình khá độc đáo trông giống như dự án thử nghiệm tiêm kích tàng hình MiG 1.44 của Nga. Còn công nghệ tàng hình được cho là có thể dựa trên cường kích tàng hình F-117 (Mỹ).
Tên lửa R-77 (trên) có nhiều đặc điểm giống với quả đạn trên hơn tên lửa PL-10 (dưới).

Dù vậy, Trung Quốc khẳng định rằng máy bay là sản phẩm được phát triển hoàn toàn trong nội địa và có thể sánh ngang với chiến đấu cơ F-22 của Mỹ hay Su T-50 (Nga).

Động cơ của J-20 sử dụng là động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy AL-31F của Nga hoặc WS-10G của Trung Quốc.

Các chuyên gia Mỹ cho rằng, J-20 có thể đạt đến “những khả năng hoạt động hiệu quả” vào năm 2018 và phỏng đoán, J-20 không phải là máy bay tiêm kích dùng để không chiến mà sẽ làm nhiệm vụ tấn công tầm xa.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Nguyễn Hoàng (theo Hoàn Cầu, Defese Update)