Theo Thông tấn xã Việt Nam, tại thành phố St. Petersburg vừa diễn ra lễ ký Biên bản bàn giao tại Nga tàu ngầm Hà Nội, chiếc tàu ngầm đầu tiên trong hợp đồng cung cấp 6 tàu ngầm thuộc Project 636 Varshavyanka (NATO gọi là Kilo) cho Việt Nam.
Tham dự lễ chuyển giao về phía Việt Nam có Phó Tư lệnh-Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân Việt Nam, Phó Đô Đốc Phạm Ngọc Minh. Về phía Nga có Tổng giám đốc nhà máy đóng tàu Admiralty Verfi ông Alexander Buzakov.
Sau lễ ký, tàu ngầm HQ-182 Hà Nội sẽ tiếp tục ở lại nhà máy Admiraltly Verfi thêm một thời gian ngắn trước khi lên tàu vận tải chuyên dụng hành trình trở về Việt Nam.
Tuy lùi thời điểm hành trình về nước, nhưng tàu HQ-182 Hà Nội vẫn sẽ có mặt tại quân cảng Cam Ranh đúng thời điểm đã định, tức là vào cuối tháng 1 năm sau. Tại đó, phía Nga sẽ ký biên bản bàn giao nhận hàng cuối cùng.
Cũng vào thời gian đó, Nga sẽ chuyển giao cho Việt Nam trung tâm đào tạo do các chuyên gia Nga thiết kế nhằm mục đích đào tạo thủy thủ đoàn của tàu ngầm. Các mô phỏng cho phép học viên thực hành hành động chiến đấu trong các tình huống khẩn cấp khác nhau. Trung tâm này sẽ hoạt động tại Cam Ranh, giáo viên chính là 40 thủy thủ Việt Nam được đào tạo ở Nga tại một trung tâm tương tự.
Hợp đồng cung cấp 6 tàu ngầm phi hạt nhân Project 636 Varshavyanka (NATO định danh là Kilo) được Nga và Việt Nam ký kết trong năm 2009, với tổng giá trị khoảng 2 tỷ USD. Trong đó bao gồm cả việc đào tạo thủy thủ đoàn và cung cấp các trang thiết bị cần thiết.
|
Ảnh minh họa.
|
Hiện tại, chiếc tàu ngầm Project 636 thứ 2 của Việt Nam mang tên HQ-183 TP. HCM đang thử nghiệm ở biển Baltic. Chiếc HQ-184 Hải Phòng đã được hạ thủy và đang trong quá trình hoàn thiện kiến trúc thượng tầng. Ba chiếc Project 636 còn lại đang thực hiện đóng ở Admiralty Verfi.
Tàu ngầm Project 636 có lượng giãn nước toàn tải 4.000 tấn, dài 74m, rộng 9,9m, thủy thủ đoàn 52 người. Tàu được đánh giá là tạo ra tiếng ồn rất thấp khi hoạt động, khiến hệ thống trinh sát đối phương rất khó phát hiện.
Project 636 thiết kế với 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm cho phép phóng nhiều loại ngư lôi (cơ số tối đa 18 quả), thủy lôi (tối đa 24 quả) và đặc biệt nhất là tên lửa hành trình tấn công đa năng Klub-S (với 4 kiểu loại đạn chống tàu mặt nước, đối đất và chống tàu ngầm).
Các tàu ngầm xuất khẩu cho Việt Nam cũng trang bị hệ thống điện tử rất hiện đại, ví dụ như hệ thống định vị thủy âm kỹ thuật số MGK-400EM có khả năng phát hiện ngư lôi, tàu ngầm, tàu mặt nước ở cự ly xa.
Hoàng Lê