"Tổng công ty MiG đang phát triển loại tiêm kích đánh chặn siêu âm hạng nặng thế hệ mới để thay thế MiG-31. Tuy nhiên, tiêm kích MiG-31 vẫn sẽ được Quân đội (Nga) sử dụng cho tới năm 2026", Tổng Giám đốc MiG, ông Sergei Korotkov ngày 11/3 xác nhận với hãng tin Ria Novosti.
Bộ Quốc phòng Nga còn cho biết, lực lượng không quân nước này hiện sử dụng hơn 120 tiêm kích đánh chặn siêu âm MiG-31. Chưa kể, một số máy bay loại này vẫn còn ở trong kho dự trữ.
|
Tiêm kích đánh chặn siêu âm MiG-31. |
MiG-31 được mệnh danh là tiêm kích đánh chặn nhanh nhất thế giới và được sử dụng trên khắp thế giới, đang được phía nhà sản xuất nâng cấp toàn diện thành biến thể MiG-31BM.
Sau nâng cấp, tiêm kích MiG-31 có thể đảm nhận tất cả nhiệm vụ trong phạm vi 4.000 Km, ông Korotkov nói.
Tiêm kích đánh chặn chiến lược tầm xa MiG-31 có thể chặn các mục tiêu xuất hiện cách 200 km nhờ radar tiên tiến cùng các tên lửa đối không tầm xa.
Vào năm 1981, MiG-31 lần đầu tiên được đưa vào sử dụng trong Lực lượng Không quân Liên Xô. Tới năm 1994, nhà sản xuất ngừng chế tạo loại tiêm kích trên. Tuy nhiên, cho tới nay, Không quân Nga và Không quân Kazakh vẫn sử dụng MiG-31.
Thanh Nga