INS Arihant là tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Ấn Độ chế tạo được trang bị các tên lửa đạn đạo. Nó nằm trong chương trình tăng cường khả năng tấn công trên biển của Hải quân Ấn Độ (ATV).
Với sự giúp đỡ của Nga, hiện nay con tàu này đã sẵn sàng cho các thử nghiệm trên biển, sau khi các lò phản ứng hạt nhân của nó được kích hoạt vào tháng 8.
Các thử nghiệm trên biển, trong đó sẽ bao gồm việc bắn thử tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân vào đầu năm tới, sẽ là một cột mốc quan trọng trong việc tăng cường khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của Ấn Độ.
|
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược INS Arihant.
|
Đô đốc DK Joshi – Tư lệnh Hải quân Ấn Độ cho biết lò phản ứng hạt nhân của INS Arihant đã được kích hoạt vào ngày 10/8 năm nay và đang trải qua một số công việc để đạt đủ 100% công suất ở Vishakapatanam. Công việc này sẽ được hoàn tất trong vòng vài tuần tới, con tàu sẽ bắt đầu được thử nghiệm trên biển. “Nó cũng đã hoàn thành các thử nghiệm trên cạn”, vị đô đốc này cho biết.
Chương trình ATV được hình thành vào đầu những năm 1970 do hậu quả của chiến tranh Ấn Độ-Pakistan vào năm 1971. Khi đó, tàu sân bay Mỹ USS Enterprise đã được triển khai tại vịnh Bengal nhằm đe dọa Ấn Độ, sau đó Liên Xô đã cử các tàu trang bị tên lửa hạt nhân cùng với tàu ngầm hạt nhân đến vịnh để bảo vệ Ấn Độ khỏi các mối đe dọa từ Mỹ. Sự hiện diện của một hạm đội hạt nhân của Liên Xô trong vịnh Bengal trong vai trò hỗ trợ Ấn Độ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc kiềm chế Mỹ và dẫn tới việc kết thúc chiến tranh.
|
Ấn Độ đã thử thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm K-15 sẽ trang bị cho Arihant.
|
Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi đã khá ấn tượng bởi khả năng hạt nhân của hạm đội tàu chiến Liên Xô, và ra lệnh triển khai chương trình ATV. Mặc dù chương trình này được sinh ra bởi bà Gandhi, nhưng tất cả các thủ tướng tiếp theo của Ấn Độ bao gồm Rajiv Gandhi, VP Singh, IK Gujral, Atal Bihari Vajpayee và hiện nay là Thủ tướng Manmohan Singh đã luôn luôn ủng hộ cho chương trình này, nhất là trong thời gian gần đây khi nước này đạt được khá nhiều thành công trong ATV.
Thiết kế của tàu ngầm hạt nhân Arihant được dựa trên lớp tàu ngầm hạt nhân Project 971 (Nga). Ngoài ra, Nga còn giúp Ấn Độ trong việc chế tạo các lò phản ứng phù hợp với kích thước của con tàu. Với thủy thủ đoàn 100 thành viên và được đào tạo bởi các chuyên gia quân sự của Nga.
INS Arihant dài 111m, rộng 15m, mớn nước 11m, trang bị lò phản ứng hạt nhân PWR cung cấp năng lượng cho con tàu hoạt động nhiều năm liên tục, lặn sâu 300m. Về vũ khí, Arihant trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm và 12 tên lửa đạn đạo tầm ngắn K-15.
Tàu ngầm hạt nhân Arihant không những làm tăng thêm khả năng răn đe chiến lược của Ấn Độ, mà còn thể hiện được liên minh hợp tác quốc phòng chiến lược Nga-Ấn.
Trà Khánh