Hãng thông tấn RIA dẫn nguồn tin từ Bộ quốc phòng Ấn Độ cho hay, Không quân Ấn Độ sẽ ngừng đàm phán hợp đồng mua mới các 126 tiêm kích đa năng Rafale của Pháp vì giá thành của chúng quá cao.
Trước đó truyền thông Ấn Độ từng đưa tin cho biết, Bộ quốc phòng Ấn Độ có thể đã từ bỏ hợp đồng mua 126 chiếc tiêm kích đa năng Rafale cho lực lượng không quân nước này, sau khi hãng Dassault Aviation của Pháp thắng thầu trong chương trình mua các máy chiến đấu thế hệ mới cho Không quân Ấn Độ vào năm 2012 trước tiêm kích MiG-35 của Nga.
|
Số phận của những chiếc Rafale có thể đã được định đoạt.
|
Tuy nhiên, hợp đồng Rafale giữa hãng Dassault Aviation và Bộ quốc phòng Ấn Độ khởi đầu đã không mấy suôn sẻ khi quá trình đàm phán kéo dài hơn 3 năm nhưng cả hai bên đều không tìm được điểm chung. Thậm chí phía Ấn Độ còn cho rằng giá của những chiếc Rafale còn đắt hơn cả tiêm kích đa năng Eurofighter Typhoon.
Một thành viên trong ủy ban đàm phán của Ấn Độ từng tiết lộ rằng, không có bất cứ đại diện nào của Bộ quốc phòng Ấn Độ có thể chấp nhận mức giá hơn 20 tỷ USD do Dassault Aviation đề xuất cho hợp đồng Rafale. Đó là còn chưa kể tới nhiều chi phí khác phát sinh trong quá trình các phi đội Rafale được đưa vào vận hành.
Theo công bố của Bộ quốc phòng Ấn Độ, giá bỏ thầu của 126 chiếc tiêm kích Rafale mà Dassault Aviation đề xuất ban đầu khá hấp dẫn và thấp nhất trong số các công ty tham gia dự thầu, tuy nhiên các tiêu chí đánh giá của Ấn Độ không chỉ dựa trên giá thành ban đầu của một chiếc máy bay mà phải bao gồm cả chi phí vòng đời của nó. Điều này có nghĩa rằng một chiếc máy bay phải đảm bảo các yếu tố về giá thành ban đầu, chi phí vận hành và bảo trì trong suốt khoảng thời gian từ 30-40 năm.
|
Truyền thông Ấn Độ có vẻ ủng hộ những chiếc Su-30MKI của Nga hơn là Rafale của Pháp.
|
Trong quá trình đàm phán, Bộ quốc phòng Ấn Độ phát hiện rằng chi phí vận hành và duy trì hoạt động của những chiếc Rafale không hề rẻ như cái giá ban đầu của nó, nhất là sau khi phía Dassault Aviation tiếp tục đưa ra những mức giá không tưởng cho toàn bộ phi đội Rafale của Ấn Độ trong tương lai.
Trong khi đó, truyền thông Ấn Độ lại khá ủng hộ việc Bộ quốc phòng nước này từ bỏ hợp đồng tiêm kích Rafale với Pháp và cho rằng Không quân Ấn Độ nên tiếp tục mua những chiếc Su-30MKI mà nước này đang được trang bị. Bên cạnh đó Ấn Độ còn đang sở hữu dây chuyền lắp ráp Su-30MKI theo giấy phép chuyển giao công nghệ mà Nga trao cho công ty hàng không nhà nước HAL của Ấn Độ.
Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ - Ông Manohar Parrikar từng phát biểu rằng, những chiếc tiêm kích đa năng Su-30MKI hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu của Không quân Ấn Độ, mặc dù có nhiều thông tin không chính thức cho rằng Ấn Độ đang tìm cách thay thế loại máy bay chiến đấu này.
Tuấn Đặng