Liên quan đến việc Big C ngừng mua hàng dệt may của các doanh nghiệp Việt, sáng ngày 4/7, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Central Group Việt Nam và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam.
Theo đó, tại buổi họp, đại diện Central Group cho hay, tập đoàn hiện có chiến lược mới trong hàng may mặc tại Việt Nam và đang set up lại các mô đun tại các siêu thị nên có ngừng mua hàng từ các doanh nghiệp. Trước mắt, BigC sẽ tạm dừng mua hàng trong 15 ngày và có thể kéo dài hơn. Các đơn hàng đã ký vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện. Đến nay có gần 4.000 nhà cung cấp cho các hệ thống của Big C, trong đó có 200 nhà cung cấp hàng may mặc.
|
Việc Big C ngưng mua hàng dệt may Việt Nam khiến DN bức xúc. Ảnh: Internet. |
Quan điểm của Bộ Công Thương là đánh giá cao những đóng góp về tạo việc làm, xây dựng hệ thống phân phối hiện đại của các doanh nghiệp FDI.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng nêu quan điểm bảo đảm quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư tại Việt Nam, doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam. Vụ việc của siêu thị Big C với 200 doanh nghiệp cần được giải quyết trên cơ sở hợp đồng đã ký giữa Big C với các đối tác Việt Nam và phải tuân thủ các quy định khác theo pháp luật Việt Nam.
Video: Doanh nghiệp lo lắng khi Big C ngưng bán hàng dệt may Việt. Nguồn: VTV24.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, sau cuộc họp, Big C cam kết mở đơn hàng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Cụ thể, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: “Sau khi làm việc, bước đầu Big C cam kết ngay trong ngày hôm nay sẽ mở đơn hàng cho 50/200 nhà cung cấp của Việt Nam. Trong 2 tuần tới Big C tiếp tục làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp của Việt Nam và sẽ có khoảng 100 nhà cung cấp nữa tiếp tục được mở đơn hàng; 50 nhà cung cấp còn lại sẽ phải làm việc kỹ hơn do chưa bảo đảm được những cam kết theo hợp đồng đã ký. Big C cam kết tuân thủ đúng với hợp đồng đã ký kết giữa Big C với các nhà cung cấp Việt Nam và tuân thủ pháp luật Việt Nam”.
Bên cạnh đó, Big C cũng cam kết tuân thủ đúng với hợp đồng đã ký kết giữa Big C với các nhà cung cấp Việt Nam và tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Trên báo Công Thương, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - chia sẻ về phương hướng bảo vệ hàng hóa trong nước tại hệ thống siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay: "Hiện nay, nhiều quốc gia như Malaysia đang có những quy định nhất định về hàng hóa nước sở tại như tỷ lệ hàng hóa nước họ tại siêu thị nước ngoài, hàng nước sở tại được trưng bày ở vị trí ưu tiên, những quầy kệ có lượng khách lớn.
Tuy nhiên việc xây dựng các quy định này ở nước ta phải có nghiên cứu kỹ để không vi phạm luật pháp WTO, lấy ý kiến rộng rãi để có sự đồng thuận của người dân và xã hội. Đồng thời giúp các nhà sản xuất trong nước phát triển, giúp các nhà phân phối nước ngoài phát triển ở thị trường Việt Nam".
Trước đó, việc chuỗi siêu thị Big C dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam kể từ tháng 7/2019 đã vấp phải sự phản ứng của hàng trăm doanh nghiệp chuyên cung ứng sản phẩm dệt may cho Central Group.
Hoàng Minh