Trà chanh vắng khách
20h, tại đình Triều Khúc nơi tập trung nhiều quán trà chanh vỉa hè, trái ngược với cảnh tấp nập rôm rả trước đây, nhiều chủ quán đang ngáp ngắn ngáp dài và ro ro vì rét. Bàn ghế nhựa bày la liệt nhưng chỉ lác đác vài người khách ngồi.
Vừa rót cốc trà nóng, bà Thái chủ một quán nước buồn rầu: “Trời rét bán hàng ế ẩm lắm chú à, chú xem đấy bày ra thế nhưng có khách đâu. Lạnh thế này ai mà ra đây uống trà chanh nước đá làm gì. May ra bán được cốc trà nóng cho mấy bác xe ôm.”
Theo bà Thái, mùa đông đặc biệt là những ngày rét đậm rét hại số lượng khách ngồi quán giảm mạnh, chưa tới 1/3 ngày thường. Khách ngồi uống trà chanh chủ yếu là sinh viên thuê trọ trong làng Triều Khúc, tối rảnh rỗi tập trung ở quán vỉa hè. “Ngày thường đến tận tối muộn sinh viên vẫn còn ngồi đây trò chuyện ra rả nhưng mùa đông chỉ tầm 9 giờ đã dọn hàng”, bà Thái cho biết. Chính vì thế mà những ngày trời lạnh, quán cũng thất thu.
Những ngày mùa hè, bà Thái phục vụ không xuể, hàng chục bàn ghế kín khách, không chỉ trà chanh, trà đá mà các loại đồ ăn như hạt hướng dương, hoa quả cũng bán hết veo. Cùng địa điểm với quán bà Thái, nhiều quán nước vỉa hè khác bên cạch cũng chỉ lác đác vài khách ngồi.
|
Hàng trà chanh vỉa hè thất thu tiền triệu. |
Tại hồ Văn Quán, những quán trà chanh vỉa hè cũng như café đều chịu cảnh vắng tanh. Thấy bóng dáng vài xe máy đi qua, hàng chục thanh niên trông xe bủa vây, mời chào. Phía bên trong hồ, vài chủ quán trà chanh vẫn mở hàng, vớt vát được khách nào hay khách đó.
Chị Hồng, chủ một quán trà đá vỉa hè, buồn rầu: “Biết trời lạnh nhưng cũng cố mở hàng kiếm tiền chứ ở nhà cũng không làm gì. Vài chục hai khách cũng được ít tiền đi chợ”. Chị Hồng nhẩm tính, từ chiều tới giờ mới có ba bốn tốp sinh viên tạt qua uống trà nóng rồi nhanh chóng ra về.
“Mọi khi chỗ này đông khách, nhiều quán lắm, công an đuổi không hết. Giờ thì chỉ hai ba hàng ngồi nhìn nhau”, chị Hồng chia sẻ.
Khu vực Ngã Tư Sở, nơi tập trung khá nhiều quán trà chanh vỉa hè nhưng cũng chỉ lác đác vài cửa hàng mở cửa. Dạo quanh cổng các trường đại học như Kiến Trúc, Thủy Lợi, Công Đoàn, số lượng khách ngồi quán vỉa hè cũng giảm rõ rệt.
Khá khẩm hơn khu vực Đào Duy Từ, Nguyễn Du, các quán trà chanh vẫn có khách nhưng đã giảm nhiều so với thường lệ. Anh Minh, chủ quán ở Đào Duy Từ cho hay, ngày hè có hàng trăm khách tới quán mỗi ngày, tính ra anh thu về tiền triệu. Hai vợ chồng anh cùng bốn nhân viên phục vụ không xuể nhưng ngày lạnh kiếm được vài trăm một ngày là may mắn rồi.
Ngô nướng, hạt dẻ nóng đắt hàng
Trái với cảnh ế ẩm của hàng trà đá, chủ những bếp ngô nướng hay hạt dẻ nóng lại hái ra tiền. Chị Thủy, chủ một hàng ngô nướng vỉa hè góc đường Triều Khúc cho biết, từ chiều tới giờ chị liên tục quạt than nướng ngô không ngơi tay. Chồng chị, anh Tuấn cũng nghỉ lái xe ôm ngồi phụ vợ.
Vụ đông nào vợ chồng anh chị cũng lấy ngô từ Sóc Sơn, Đông Anh về để bán, nhưng chỉ một loại ngô nướng. Nguồn ngô lấy tận ruộng với giá chỉ 2000 – 3000 đồng, sau khi nướng bán với giá từ 7.000 – 10.000 đồng, trừ tiền than, công quạt, tính sơ sơ cũng lãi tiền triệu.
|
Ngô nướng đắt khách mùa đông. |
Chị Thủy cho biết, bán ngô nướng đắt hơn luộc do phải quạt từng chiếc một. Nướng xong cái nào bán hết cái đó hầu như không ế bao giờ. “Phải ba bốn bếp than mới đủ ngô bán cho khách, mùa đông mà toát hết mồ hôi”, chị Thủy vui vẻ.
Theo tiết lộ của chủ một sạp ngô nướng ở đường Tây Sơn, mỗi ngày chị bán được hàng trăm bắp ngô nướng, thu nhập ngót nghét gần triệu đồng. Sau nướng chín, mỗi bắp ngô có giá gấp đôi ngô luộc, trong khi đó không cần lích kích xoong nồi, bếp than, chỉ một chậu than hoa cùng chiếc quạt là đã có thể bày bán được. So với giá nhiều loại thức ăn, ngô nướng có giá đắt nhưng vẫn được nhiều người ưu chuộng, đặc biệt là giới trẻ.
Tương tự như vậy, hàng hạt dẻ nóng dọc nhiều tuyến phố như Nguyễn Trãi, đường Láng, khu vực phố cổ,... cũng được nhiều khách đi đường ưu chuộng mặc dù nhập từ Trung Quốc. Giá của hạt dẻ nóng dao động, từ 80 đến 120 nghìn đồng/kg.
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:
Theo VietNamNet