Tiết lộ đàn bò Kobe đầu tiên ở Việt Nam

Google News

Đến năm 2015, người tiêu dùng sẽ có cơ hội thưởng thức thịt bò Kobe được nuôi ngay tại Việt Nam.

 
Giấc mơ gây dựng đàn bò Kobe ngay tại Việt Nam, dành cho người tiêu dùng Việt Nam đang được một số doanh nghiệp ấp ủ. Điển hình là doanh nhân Đặng Văn Thành với ý tưởng về việc nuôi bò Kobe cách nay 3 năm, đến giờ đã chứng minh được khả năng thành công sau giai đoạn thử nghiệm. Tuy nhiên, kỹ thuật nuôi bò là vấn đề khó khăn đòi hỏi thời gian và quy trình kiểm soát rủi ro tốt.
“Đến giờ tôi mới có thể công bố quá trình nuôi bò Kobe đã thành công sau 3 năm thử nghiệm”, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thành Thành Công hé lộ câu chuyện xây dựng đàn bò Kobe đầu tiên tại Việt Nam.
Ý tưởng nuôi bò Kobe được hình thành khi năm 2010, ông Thành và ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Kềm Nghĩa có chuyến du lịch đến Nhật để thăm những người bạn Nhật thân thiết lâu năm. Trong chuyến đi này, hai ông có dịp đến vùng nuôi bò Kobe để tìm hiểu quy trình nuôi bò tại đây. Món quà hai ông mua cho người thân tại Kobe là vài ký thịt bò Kobe loại A5 có giá 170 USD/kg (cấp độ cao nhất trong thang đo thịt bò Kobe của Nhật). Ông Thành nhận thấy mức giá này tuy đắt đỏ, nhưng không thiếu người mua.
Với sự nhạy bén của những doanh nhân lão luyện, hai ông nhìn thấy cơ hội kinh doanh đầy hấp lực từ đây. Ý tưởng nuôi bò Kobe trở thành hiện thực sau khi hai ông quay trở lại Nhật một lần nữa để khảo sát kỹ lưỡng con giống, quy trình công nghệ. Lời mời hợp tác được đưa ra với một đối tác Nhật, có truyền thống nuôi bò Kobe qua nhiều thế hệ. Mỗi bên góp nửa vốn đầu tư xây dựng Công ty cổ phần Bò Kobe Việt Nam, đặt tại xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Theo ông Thành, đối tác Nhật đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, thiết lập quy trình kỹ thuật nuôi bò Kobe và chuyển giao công nghệ cho phía Việt Nam thực hiện.
“Tôi không quan trọng tỉ lệ sở hữu, việc mời được đối tác Nhật đồng ý hợp tác đã là một thành công lớn. Họ chi tiết trong từng vấn đề đầu tư như: khảo sát vị trí đặt trang trại, các chỉ tiêu đất, nước, môi trường…”, ông Thành kể.
Sau đó đến lượt nguồn giống bò chất lượng. Người Nhật không cho xuất khẩu bò Kobe ra nước ngoài để bảo tồn nguồn gen quý hiếm của loại bò đặc biệt này. Ông Thành phải đi đường vòng, mua tinh bò Kobe tại Mỹ để lai tạo ra giống bò Kobe thuần chủng. Không tiết lộ cụ thể số tiền, nhưng ông Thành cho biết, các khoản đầu tư cũng lên đến hàng triệu USD. Hiện nay, Công ty cổ phần Bò Kobe Việt Nam đã có gần 100 con đang giai đoạn trưởng thành, nếu không có gì thay đổi lứa đầu tiên sẽ xuất chuồng vào quý 1/2015. Theo ông Thành, bò Kobe khi xuất chuồng sẽ đạt trong lượng từ 800-1.000 kg/con và sẽ cho ra sản phẩm từ 400-500 kg thịt với giá 100 USD/kg. Tính ra một con bò Kobe có giá trị gần 1 tỷ đồng.
“Với số lượng ban đầu cung không đủ cầu và giá bán thịt bò Kobe Việt Nam thấp hơn nhiều so với thịt bò Kobe nhập khẩu, chất lượng không thua kém, cơ hội rất lớn”, ông Thành cho biết.
Đầu tư là câu chuyện dài
Khi nhập tinh bò Kobe từ Mỹ về Việt Nam, các chuyên gia kỹ thuật của Công ty cổ phần Bò Kobe Việt Nam định thực hiện công nghệ phối bằng phôi bò, sẽ cho ra ngay giống thuần chủng 100%. Tuy nhiên đây là kỹ thuật khó, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm nên cuối cùng kỹ thuật dùng tinh bò Kobe cho phối với bò sữa HF (Holstein Friesian), một giống bò sữa của Hà Lan có phẩm chất tốt và có khả năng thích nghi với vùng đất Lâm Đồng được chọn. Kỹ thuật này tốn khá nhiều thời gian để con bò Kobe thuần chủng, nhưng dễ kiểm soát rủi ro. Theo ông Nguyễn Trí Đức Vũ, Giám đốc Công ty cổ phần Bò Kobe Việt Nam, hiện nay công ty đã có giống bò Kobe đến thế hệ F3, gần như thuần chủng. “Tuy nhiên không đơn giản cứ có bò Kobe là cho ra miếng thịt có vân mỡ trong xớ thịt mà còn phải có nhiều bí quyết, kỹ thuật mới đạt được phẩm cấp tương tự thịt bò Kobe của Nhật”, ông Vũ cho biết.
Công việc đầu tiên là phải nuôi con bò có được trọng lượng và vóc dáng đạt chuẩn. Theo ông Vũ, mặc dù các chuyên gia Nhật thiết kế công thức dinh dưỡng khá cầu kỳ, tương tự quy trình nuôi của bò Kobe tại Nhật, nhưng khẩu phần thức ăn đều sử dụng nguyên liệu trong nước, chỉ trừ một số khoáng chất phải nhập khẩu. Nghe nhạc, uống bia và mát xa là những điều người tiêu dùng thường được nghe khi nói đến bò Kobe. Theo ông Vũ, nghe nhạc giúp bò thư thái và ăn được nhiều hơn. Đây cũng là cách làm thông dụng của các công ty nuôi bò sữa trong nước. Tuy nhiên, mở nhạc cho bò nghe khi ăn là nhằm tạo phản xạ có điều kiện cho bò. Khi con bò đạt đến trọng lượng trên 800 kg nó sẽ biếng ăn. Vì nuôi bò thịt, nên việc phải duy trì được trọng lượng cho chúng là rất quan trọng. Nếu bò không ăn, lớp mỡ sẽ tiêu hao, khi đó không thể tạo vân mỡ trong thịt bò. Do đó, dù bò không muốn ăn, nhưng nghe nhạc là có phản xạ tự động đến máng ăn.
Chưa hết, ba tháng trước khi xuất chuồng bò phải được cho uống bia để tích tụ mỡ, giữ trọng lượng theo quy chuẩn. Tích tụ mỡ là điều kiện cần, nhưng bò phải có vóc dáng tốt mới là điều kiện đủ. Vóc dáng tốt được diễn giải là mỡ tích tụ ở bắp vai, bắp chân, hông,… Sau đó, các chuyên gia Nhật sẽ có công nghệ mát xa để đưa lớp mỡ thấm sâu vào trong lớp thịt. “Đây là bí quyết quyết định chất lượng thịt ngon hay không và giá cả sẽ được tính toán theo hình thái lớp mỡ hiển thị trong sớ thịt bò”, ông Vũ cho biết.
Theo ông, các chuyên gia Nhật đánh giá, bò Kobe nuôi tại Việt Nam sẽ có hương vị ngon hơn bò Kobe nuôi tại Nhật. Nguyên nhân là do bò Việt Nam được nuôi bằng gạo, trong khi ở Nhật bò được nuôi bằng bắp. Điều này cũng giải thích tại sao bò Kobe được nuôi tại các nước sẽ cho ra hương vị khác hẳn, mặc dù cùng giống bò thuần chủng Kobe.
Theo ông Đặng Văn Thành, sau khi lứa bò đầu tiên thành công, công ty ông sẽ tiếp tục lai giống để đạt thuần chủng 100%. Dự kiến đến năm 2020 sẽ đưa ra sản phẩm thịt bò Kobe đạt chuẩn A5. “Trong tương lai, khi sản lượng bò Kobe nhiều lên, sẽ xây dựng trung tâm bán đấu giá thịt bò Kobe như ở Nhật, ai muốn mua thịt bò Kobe cứ đến trung tâm này đấu giá để mua”, ông Thành cho biết.
Theo Doanh nhân