Sau khi đăng bài chỉ rõ sản phẩm Anyhome saver AHS1-5 của Hàn Quốc do Công ty TNHH XNKTM Việt Hàn phân phối không có chức năng tiết kiệm 30 - 40% điện năng, nhiều bạn đọc mua thiết bị này hoặc có ý định sử dụng đã liên lạc đến tòa soạn đề nghị cung cấp thêm thông tin.
Hiệu quả thấp cho điện dân dụng
TS Phùng Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm đào tạo bảo dưỡng công nghiệp, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, là người nghiên cứu chuyên sâu về tác động của sóng hài cũng như thiết bị lọc sóng hài tích cực khẳng định, về cơ bản thiết bị lọc sóng hài có tiết kiệm điện năng nhưng thấp và khó có thể có thiết bị lọc sóng hài giúp tiết kiệm 30 - 40% điện năng.
Bởi sóng hài là loại sóng nhiễu xuất hiện trong khi sử dụng phụ tải không phải là phụ tải tuyến tính. Ở trong điện dân dụng, chỉ có một số thiết bị điện không thuộc diện này là máy nước nóng, máy bơm, thiết bị đun sưởi... Lúc này trên đường dây dẫn sẽ xuất hiện sóng hài.
Sóng hài trong công nghiệp làm xuất hiện hiệu ứng nhiễu trên hệ thống điện dẫn đến hệ thống sản xuất bị ảnh hưởng do sai số, nóng thiết bị hoặc tác động đến các thiết bị lân cận, tổn thất điện năng. Ví dụ, máy biến áp điện lực bị nhiễm sóng hài sẽ làm giảm công suất truyền tải điện..
Còn đối với các hộ gia đình (điện dân dụng) thường tỷ lệ nhiễu sóng hài không cao, ảnh hưởng ít. Biểu hiện của thiết bị nhiễu sóng hài như tivi bị nhiễu, bóng đèn huỳnh quang bị nhấp nháy không sáng...
"Chi phí mua thiết bị đắt trong khi điện dân dụng dùng cho hiệu quả khử sóng hài thấp. Tính bài toán kinh tế với chi phí bỏ ra ban đầu có khi còn đắt hơn. Thậm chí, kể cả trong công nghiệp đôi khi người ta cũng phải cân nhắc khi sử dụng", TS Phùng Anh Tuấn nhấn mạnh.
|
Sản phẩm Anyhomesaver AHS1-5 của Hàn Quốc do Công ty TNHH XNKTM Việt Hàn phân phối được quảng cáo tiết kiệm 30 - 40% điện năng. |
Quảng cáo khống, hại thiết bị gia đình
Cũng theo vị chuyên gia về sóng hài TS Phùng Anh Tuấn, việc công ty quảng cáo thiết bị lọc sóng hài có khả năng giúp tiết kiệm 30 - 40% điện năng là quảng cáo khống, lừa người dùng. Nếu lập luận theo phương thức của các công ty dạng này, tức sóng hài chiếm trên tổng công suất điện cũng tương đương 30 - 40% là sai nguyên tắc Nhà nước. Quy chuẩn Nhà nước cho phép nhiễu sóng hài chỉ chiếm từ 6 - 10% tổng truyền tải điện năng. Vì thế, không thể có đến con số sóng hài chiếm 30 - 40%. Mặt khác, nếu tỷ lệ sóng hài cao thì năng lượng hữu ích đến thiết bị điện bị giảm. Dẫn đến thiết bị gia đình như tivi, tủ lạnh... giảm tuổi thọ, dễ hỏng, hiệu suất kém.
"Đó là điều tai hại đối với thiết bị điện mà chính người sử dụng không thể thấy bằng mắt thường. Cả hai điều mà các quảng cáo hướng đến đều không tốt cho người sử dụng", TS Phùng Anh Tuấn nhấn mạnh.
Theo đó, để xác nhận phương pháp giảm sóng hài có tiết kiệm điện năng phải có xác nhận của cơ quan chức năng. Phương pháp đánh giá phải được hội đồng chuyên gia tư vấn. Trong khi đó, hiện nay có nhiều công ty quảng cáo đến người dân bằng một phương pháp không phù hợp của một cơ quan giám định nào đó. Thậm chí, có đơn vị còn đến "nhờ" các chuyên gia chứng nhận chất lượng, tác dụng để lừa người sử dụng nhưng không được chấp nhận.
Theo khảo sát của phóng viên, nhiều kết quả thử nghiệm của Quatest 1 bị lợi dụng vào mục đích quảng cáo sản phẩm không đúng với phương pháp đánh giá. Ông Nguyễn Cảnh Tời, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 thừa nhận, đúng là có những doanh nghiệp quảng cáo dựa trên kết quả thử nghiệm không đúng với chỉ tiêu họ nêu ra. Đơn vị sẽ kiểm tra lại bản gốc, có đúng chỉ tiêu hay không. Nếu sai, đơn vị sẽ có công văn hoặc cần thiết có thể khởi kiện.
Hiền Dung