Theo tìm hiểu của Kiến Thức, chỉ trong 3 tháng, sữa tăng giá 3 lần khiến các bà mẹ được phen hoảng hồn, chóng mặt.
Sữa nội - ngoại: Chênh giá khủng khiếp
Giá sữa luôn là vấn đề khiến các bà mẹ đau đầu. Mới qua 3 tháng đầu năm nhưng sữa đã 3 lần tăng giá. Sữa nội đội lên từ 7-10% còn sữa ngoại nhảy giá tới 10-15%, có loại tăng khủng khiếp lên tới 20%.
Trong hơn 300 thương hiệu sữa bột công thức dinh dưỡng đang cạnh tranh trên thị trường Việt Nam, có đến 80% là sữa ngoại.
Những “ông lớn” trên thị trường như Abbott (chiếm thị phần cao nhất), MeadJohnson, Dutch Laydy, Nestle, Dumex, Meiji… cũng thuộc “top” tăng giá khủng nhất.
Cụ thể, các sản phẩm Mead Johnson tăng 10%, Enfa Grow A+3 loại 400g tăng từ 191.800 đồng lên 211.000 đồng/hộp, Enfa Mama A+ Vannila 900g từ 351.000 đồng tăng lên 387.000 đồng/hộp. Nhãn hàng đặc trị Enfalac A+Gentle Care 352g có giá 245.000 đồng tăng lên 270.000 đồng, giá bán lẻ gợi ý đến tay người tiêu dùng là 280.800 đồng/hộp.
Thương hiệu sữa Dumex do Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thái miền Bắc phân phối và XO của Hàn Quốc cũng tăng gần 10%.
Riêng sản phẩm của Abbott do Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A Việt Nam phân phối, chỉ tính riêng từ Tết Nguyên Đán đến giờ đã có 2 lần thông báo tăng giá với hơn 50 sản phẩm tăng thêm 10.000 - 40.000 đồng/hộp tùy loại kể từ ngày 1/3. Ensure Gold loại 900g giá mới 658.000 đồng/hộp; Abbott Grow 1 loại 900g giá mới 328.500 đồng/hộp; Grow G-Power Vanila 1,7kg: 713.000 đồng; Grow School G-Power Vanila loại 900g giá mới 369.000 đồng; Abbott Grow4 900g tăng lên 299.000 đồng; Abbot Grow 4 loại 1,7 kg 519.000 đồng…
Chưa dừng lại ở đó, sau hai lần tăng giá, mới đây, theo thông tin từ Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, Abbott lại đòi tăng giá lần thứ 3 với mức tăng từ 2 - 9,5%, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam điều chỉnh tăng giá khoảng 9%; Công ty Cổ phần sữa Việt Nam tăng từ 3 - 15%.
|
Giá sữa ngoại đang "cắt cổ" người tiêu dùng Việt. Ảnh: N.Đan |
Khảo sát thị trường sữa của Kiến Thức cho thấy, mặc dù tăng cùng đợt nhưng giá sữa nội còn chạy dài mới theo kịp giá sữa ngoại. Có một thực tế là cùng loại sản phẩm dành cho các đối tượng nhất định với hàm lượng các chất tương đương nhau nhưng so với sữa nội, sữa ngoại có giá cao hơn hẳn.
Chẳng hạn, sản phẩm sữa Dielac Alpha 123 dành cho trẻ từ 1-3 tuổi, trọng lượng 900g của Vinamilk có giá 190.000 đồng trong khi cùng dành cho trẻ trong lứa tuổi trên, sữa ngoại Friso Gold 3 có giá 257.000 đồng, Enfagrow A+ 3 có giá lên tới 449.000 đồng/hộp 900g.
Cùng dòng sản phẩm dành cho trẻ biếng ăn, một hộp PediaSure của Abbott loại 900g có giá 570.000 đồng trong khi sản phẩm cùng loại Dielac Pedia 3+ của Vinamilk chỉ có giá 327.000 đồng/hộp 900g (thấp hơn 47%), Pedia Plus của Nutifood do Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Đồng Tâm sản xuất có giá 328.000/hộp 900g (thấp hơn 46,5%).
Tương tự, sữa Glucerna Abbott dành cho người tiểu đường giá 310.000 đồng/hộp 400g còn Vinamilk Diecerna có giá hơn 200.000 đồng/ hộp 400g.
Giá cắt cổ của sữa ngoại: do đâu?
Không phải đến bây giờ, qua nhiều lần tăng giá, sữa ngoại mới bị "lên án" vì sự chênh lệch nội - ngoại. Từ lâu, các hãng sữa ngoại đã được tiếng là “giỏi” móc túi người tiêu dùng khi phần chênh lệch giá nhập và giá bán niêm yết của một hộp sữa lệch lên khá cao, lên tới vài trăm phần trăm.
Trao đổi với
Kiến Thức, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Kinh tế, Viện Nghiên cứu kinh tế Hà Nội, cho hay, tâm lý sính sữa ngoại khiến các bà mẹ lao đầu vào mua theo phong trào mà không để ý so sánh chất lượng, thành phần có trong sữa nội và sữa ngoại.
Ông Phong cho rằng, cách quảng cáo rầm rộ, đôi khi quá đà, không đúng sự thật đánh thẳng vào tâm lý muốn con thông minh, cao lớn vượt trội của các bà mẹ Việt thực chất cũng là một biểu hiện của cạnh tranh không lành mạnh. “Công tác kiểm soát quảng cáo ở nước ta còn quá lòng lẻo, không có chế tài cụ thể về những quảng cáo không đúng sự thật để có hướng xử lý nên các hãng sữa ngoại mới được dịp lộng hành. Đáng lý ra, khi một đơn vị đăng ký quảng cáo, phải kiểm duyệt nội dung gắt gao đồng thời có công tác kiểm toán chặt chẽ những chi phí quảng cáo tính vào giá thành của sữa. Nhà phân phối cũng phải công khai những thông số cụ thể này tới người tiêu dùng”, ông Phong nói.
|
Ông Phong cho rằng, cách quảng cáo rầm rộ, đôi khi quá đà, không đúng sự thật đánh thẳng vào tâm lý muốn con thông minh, cao lớn vượt trội của các bà mẹ Việt thực chất cũng là một biểu hiện của cạnh tranh không lành mạnh.
“Công tác kiểm soát quảng cáo ở nước ta còn quá lòng lẻo, không có chế tài cụ thể về những quảng cáo không đúng sự thật để có hướng xử lý nên các hãng sữa ngoại mới được dịp lộng hành. Đáng lý ra, khi một đơn vị đăng ký quảng cáo, phải kiểm duyệt nội dung gắt gao đồng thời có công tác kiểm toán chặt chẽ những chi phí quảng cáo tính vào giá thành của sữa. Nhà phân phối cũng phải công khai những thông số cụ thể này tới người tiêu dùng”, ông Phong nói.
Bên cạnh đó, cơ chế doanh nghiệp được quyền chủ động định giá và chịu trách nhiệm về giá, miễn là mức tăng mỗi lần không vượt trần 20% trong vòng 15 ngày liên tục, mà không hề có sự thẩm định, kiểm tra đối chiếu về giá đang vô tình tạo điều kiện cho phong trào tăng giá của các hãng sữa. Trong khi việc kiểm tra của cơ quan nhà nước thường thì chỉ được tiến hành sau khi giá đã tăng.
Thị trường sữa ở Việt Nam vẫn đang phụ thuộc khá lớn vào hàng nhập khẩu. Theo thống kê, với khoảng 500 dòng sản phẩm sữa, lượng sữa sản xuất từ nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu và chủ yếu phục vụ cho sản xuất sữa nước. Khoảng 70% còn lại là nhập khẩu, trong đó 50% là sữa nguyên liệu và 20% là sữa thành phẩm. Bởi vậy, nếu không có biện pháp quản lý giá sữa hợp lý, người tiêu dùng sẽ còn bị “móc túi” lâu dài.
BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU
Nguyên Đan