Sự thật hãi hùng về các nhà hàng, quán nhậu

Google News

(Kiến Thức) - Thịt bò Trung Quốc "hô biến" thành thịt bò Úc; cá trê, cá quả, ếch Trung Quốc được quảng cáo là hàng Việt Nam... và những thực phẩm này nghiễm nhiên trở thành đặc sản ở nhiều nhà hàng.

Người dân cứ vô tư thưởng thức các món ăn được chế biến từ những loại thực phẩm trên mà không biết rõ nguồn gốc xuất xứ của nó. Những thực phẩm này được coi là đặc sản trên bàn nhậu, bàn ăn theo lời quảng cáo của các nhà hàng.

Nhờ có sự can thiệp của các cơ quan chức năng mà nguồn gốc của những thực phẩm này dần sáng tỏ. Người dân cũng nên thận trọng hơn khi mua và sử dụng những loại thực phẩm này.

Khoảng 21h ngày 1/5, Phòng Cảnh sát môi trường Công an Hà Nội (PC49) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) tiến hành kiểm tra xe ô tô tải mang BKS: 14C-02784 do đối tượng Nguyễn Văn Học (40 tuổi, ở huyện Đông Triều, Quảng Ninh) điều khiển, đang lưu thông trên Quốc lộ 2 (thuộc xã Kim Anh, huyện Sóc Sơn). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có gần 9.400 con cá trê giống (208 kg).

 Cá trê giống nhập lậu từ Trung Quốc.
 Giống cá trê giống có nguồn gốc từ Trung Quốc không sinh sản được nhưng lớn rất nhanh.

Qua đấu tranh, lực lượng chức năng làm rõ chủ số hàng trên là Nguyễn Văn Thịnh (26 tuổi, ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Tại cơ quan công an, Thịnh không xuất trình giấy tờ liên quan đến số cá trê giống trên. Theo lời khai của Thịnh, số cá giống này được mua từ Trung Quốc với giá 90.000 đồng/kg rồi vận chuyển về Vĩnh Phúc nuôi.

Nói về số cá trê giống nhập từ Trung Quốc này, Trung tá Phạm Giang Sơn, Đội trưởng đội 6, Phòng Cảnh sát môi trường Hà Nội cho biết: Theo lời khai của chủ hàng thì cá trê giống này lớn rất nhanh, mỗi năm tăng khoảng 6kg. Đây được xác định là sinh vật ngoại lai, khi nhập vào Việt Nam sẽ tác động rất lớn đến môi trường. Khi ra môi trường, loại cá này sẽ ăn hết sinh vật trong môi trường nước.

Đến 22h cùng ngày, tổ công tác liên ngành, gồm (Phòng PC49 và Đội Quản lý thị trường số 1 – Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội), tiến hành kiểm tra xe ô tô tải mang BKS: 16L-0983 đang dừng đỗ tại đường 5 (thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội) do lái xe Nguyễn Văn Đãng (33 tuổi, ở xã Liêm An, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) điều khiển.

 Ếch nhập lậu từ Trung Quốc.
 Cá quả nhập lậu từ cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh.
 5.200 tuýp mù tạt wasabi và 10 thùng bánh khoai môn mang nhãn hiệu YING SIA (Trung Quốc).

Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên xe có 5.200 tuýp mù tạt wasabi, và 10 thùng bánh khoai môn mang nhãn hiệu YING SIA, 133 con cá quả (149 kg) và 360 con ếch (72 kg) có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Chủ hàng là Nguyễn Xuân Tư (32 tuổi, ở TP Hải Phòng).

Trước đó, ngày 30/4, Đội 6 (Phòng PC49) phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã bắt quả tang 3 xe tải chở gần 2 tấn cá tầm từ biên giới Móng Cái (Quảng Ninh) và cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng) trên đường đưa về chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội) tiêu thụ.

Lái xe kiêm chủ hàng Trần Ngọc Thịnh (trú tại Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội, điều khiển xe ô tô tải BKS: 14C-05189) và Đỗ Thành Nhiên (trú tại huyện Xuân Trường, Nam Định, điểu khiển xe ô tô BKS: 30N-8575) đều khai nhận đã đích thân sang Trung Quốc thu mua số cá tầm, sau đó vận chuyển qua cửa khẩu khu vực Móng Cái (Quảng Ninh). Còn lái xe ôtô kiêm chủ hàng Đào Văn Việt (trú tại huyện Nghĩa Hưng, Nam Định, điều khiển xe tải BKS: 31F-8774) khai thu mua cá tầm từ lái buôn Trung Quốc qua cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng) đưa về Hà Nội tiêu thụ.

Cả ba người này cho biết, trung bình 5 ngày sẽ vận chuyển một lần theo yêu cầu của chủ mua ở chợ Yên Sở. Cá tầm được người dân lái buôn phân chia làm 2 loại để định giá khi giao bán. Theo đó, cá sống được thu mua với giá 50.000 đồng/kg, nếu vận chuyển trót lọt về Hà Nội tiêu thụ sẽ được bán với giá hơn 100.000 đồng/kg. Còn loại cá chết sẽ được ướp đá để khi vận chuyển tránh bị ôi thiu, được mua với giá 30.000 đồng/kg, bán ra với giá 70.000-80.000 đồng/kg.

Cá tầm Trung Quốc mồm nhọn hơn cá ta, có trọng lượng trung bình 600-1.000 gam/com.

Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính với ba chủ hàng trên về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và tiến hành tiêu hủy toàn bộ số hàng nói trên tại bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Trước đó, ngày 25/4, Đội quản lý thị trường số 1 thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Đội 6 (Phòng Cảnh sát Môi trường) cũng kiểm tra xe ô tô tải BKS: 89K-5649 khi đang dừng đỗ tại khu vực công trường 5 (thuộc quận Long Biên, Hà Nội) có dấu hiệu nghi vấn. Qua kiểm tra phát hiện, trên xe vận chuyển 216 kg ếch (1.080 con) và 265 kg cá quả (636 con) không có giấy tờ kiểm dịch, cũng như hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng nói trên.

 Cá quả nhập lậu từ Trung Quốc. 

Tại thời điểm kiểm tra, lái xe khai nhận là Nguyễn Quang Vinh (41 tuổi, ở huyện Tiên Lữ, Hưng Yên). Còn chủ hàng nói trên là ông Trần Thanh Tâm (32 tuổi, ở xã An Viên, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên). Lâm khai nhận, toàn bộ số cả quả và ếch trên được thu mua từ Trung Quốc và không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Tổ công tác đã thu giữ và tiến hành tiêu hủy theo quy định.

Không chỉ cá trê, cá quả, ếch Trung Quốc đi vào các nhà hàng ẩm thực Việt mà thịt bò Trung Quốc cũng được "hô biến" thành thịt bò Úc. 

Đội Kinh tế thương mại, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an Hà Nội mới đây bắt quả tang nhân viên nhà hàng Hồng Bích thuộc tầng 3 khu trung tâm thương mại Savico Long Biên, Hà Nội đang xuống kho đông lạnh nhập thịt bò và tảo Trung Quốc. 

 Số thịt bò Trung Quốc bị cơ quan chức năng bắt giữ.
 Tảo có nhãn mácTrung Quốc

Ngay lập tức, cơ quan chức năng tiến hành lập biên bản với số hàng kể trên, đồng thời tiến hành kiểm đếm. Số lượng hàng chứa trong 4 thùng xốp là 110 kg thịt bò và 40 kg tảo in nhãn mác Trung Quốc. Nhân viên nhà hàng cũng thừa nhận số thịt trên có xuất xứ từ Trung Quốc.

Trung tá Uông Viết Thành, Đội trưởng Đội Kinh tế Thương mại cho biết: “Sau một thời gian theo dõi, đơn vị nắm được đường đi của số thực phẩm trên từ Trung Quốc về qua biên giới theo đường tiểu ngạch”. 

Theo ông Thành, số thực phẩm chủ yếu là thịt bò này đang được tập kết để chuyển vào nhà hàng “hét” là thịt bò Úc, Mỹ đánh lừa thực khách.






Hồng Luân (Tổng hợp)