Chị Thanh Huyền ở khu vực cầu Vĩnh Tuy (quận Hoàng Mai) cho biết, từ 20h đến hơn 22h ngày 16/5, cả khu phố nhà chị mất điện, khiến cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn. "Điện mất đúng lúc nhà tôi đang ăn cơm tối, may mà có cái đèn pin nên cũng lò mò ăn xong bữa cơm. Mấy đứa trẻ thì khóc lóc, kêu than vì quá nóng. Trong nhà ngột ngạt không khác gì cái hầm. Nhiều người trong khu nhà tôi đã phải cho con di cư đến nhà người thân chơi, những người không kiên nhẫn được thì phải ra khách sạn để ngủ, đến sáng hôm sau mới về".
Tuy nhiên, theo chị Huyền, khu vực này lại tiếp tục mất điện vào sáng sớm ngày hôm sau và phải khoảng 2 giờ sau mới có trở lại.
Không chỉ chị Huyền, nhiều bạn đọc khác cũng phản ánh tình trạng mất điện tương tự diễn ra ở nhiều khu phố tại Hà Nội.
Chị Lê Hòa ở Văn Quán (Hà Đông) phản ánh: 2h20 sáng 17/5, khu vực nhà chị bị cắt điện. Mấy đứa nhỏ vì nóng quá không ngủ được nên quấy cả đêm, chị quạt mỏi tay nhưng cũng không ăn thua. Điện mất được khoảng 40 phút thì có nhưng sau 5 phút lại bị cắt tiếp khiến chị cả đêm không ngủ được mà còn ôm cục tức trong lòng.
|
Mất điện thì khổ nhất trẻ con. Ảnh: Infonet |
Anh Trần Phong (ở Văn Quán) cũng phản ánh tình trạng tương tự. Anh Phong cho biết,
điện mất đúng lúc đang ngon giấc nên anh đành dậy phe phẩy quạt chờ đến khi trời sáng.
Một số khu vực khác như ở quận Cầu Giấy, quận Hai Bà Trưng, quận Hoàng Mai cũng xảy ra tình trạng mất điện. Theo phản ánh của một số người dân, tình trạng mất điện xảy ra vào ban đêm, khi mà người dân đang say ngủ. Một số gia đình có con nhỏ, hầu như phải thức cả đêm để quạt cho con, đảm bảo giấc ngủ cho trẻ.
Như vậy, việc mất điện không chỉ diễn ra vào giờ cao điểm buổi tối khi các gia đình đều đi làm về, nhu cầu sử dụng điện tăng cao; mà còn xảy ra vào cả ban đêm khi mọi hoạt động được giảm tải. Thậm chí, sáng 17/5, một bạn đọc ở khu vực đường Lĩnh Nam phản ánh, lúc 9h điện bị cúp đột ngột, lúc này nắng đã lên cao lên trong nhà nóng như lò nướng bánh.
Tình trạng mất điện trên một số khu vực tại Hà Nội đã diễn ra từ một vài ngày nay. Anh Hoàng Hùng, ở Cầu Lủ (Hoàng Mai) cho biết: "Khu vực nhà tôi bị mất điện từ 17h30 đến 18h30 ngày 15/5. Cũng may là sau đó điện có lại chứ không thì nhiều nhà phải đi ăn cơm hàng rồi".
Điều đáng nói, việc mất điện xảy ra vào lúc nắng nóng cao điểm. Ngày 16/5, nhiệt độ tại Hà Nội lên tới 39 độ, ban đêm nhiệt độ cũng ở mức 36-37 độ, trời rất oi bức, ngột ngạt. Trong ngày hôm nay (17/5), người dân Hà Nội vẫn phải đương đầu với nắng nóng diễn ra trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 36-38 độ. Đợt nắng nóng này còn có khả năng kéo dài trong 2 ngày tới.
Tuy nhiên, phát ngôn với báo giới, bà Nguyễn Hoàng Anh, Phó chánh văn phòng Tổng công ty Điện lực Hà Nội giải thích, hiện tượng mất điện trên chỉ xảy ra cục bộ do nhu cầu điện tăng đột biến dẫn đến quá tải và nhảy automat. Bà Hoàng Anh nói: "Chủ trương của EVN là không cắt và sửa chữa điện khi nhiệt độ ngoài trời quá 36 độ C và việc mất điện là do quá tải dẫn đến nhảy automat".
Tuy nhiên, như ngày 15, 16/5, nhiệt độ tại Hà Nội rất cao, trên 36 độ C, thì tình trạng mất điện lại xảy ra liên miên tại một số khu vực ở các quận của Thành phố. Nhiều người dân cho rằng, nhu cầu điện tăng đột biến dẫn đến quá tải và nhảy automat thì ngành điện cũng nên chuẩn bị một số phương án dự phòng thay thế, để đảm bảo hoạt động sinh hoạt cho người dân.
Bác Cao Văn Liên (cán bộ nghỉ hưu), trú ở khu vực Cầu Lủ (quận Hoàng Mai) cho rằng, điện là nhu cầu thiết yếu của mọi gia đình. "Chúng tôi già cả thì còn có thể chịu đựng được nhưng đối với trẻ nhỏ thì chúng khó mà chịu nổi, đặc biệt là trong mấy ngày nắng nóng oi bức này. Ngành điện cũng nên có phương án dự phòng để đảm bảo nguồn điện cung cấp cho người dân, chứ không để mất điện do quá tải như hiện nay".
Chủ đề nắng nóng và mất điện có lẽ được nhắc đến nhiều nhất trong vài ngày qua. Cứ gặp mặt nhau là người dân than phiền. Có người nói "nắng nóng thế này thì làm gì được", "cứ nóng mãi thì chết mất" và "ngả mũ xin thua" với “anh” điện lực.
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU
Hải Sơn