"Săn" tượng khỉ “3 không” làm quà tết mang Phúc - Lộc - Thọ?

Google News

Cận kề Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, những món đồ liên quan đến bộ khỉ “3 không”đang được nhiều người săn lùng làm quà biếu Tết.

Nhiều người quan niệm, khỉ “3 không” không chỉ là món quà tặng đơn thuần mà còn thể hiện mong ước tâm an, thanh thản của mỗi người. Đó là ba bức tượng khỉ đang bịt mắt, bịt tai, bịt miệng thể hiện cho ý nghĩa không nghe, không nói, không nhìn thấy những điều xấu.
Dát vàng lên khỉ
Theo tìm hiểu của PV, trước đây, ở Việt Nam, tượng khỉ “tam không” (thường gọi là tượng khỉ “3 không” - PV) bị nhiều người coi là xui xẻo. Bởi hình ảnh những chú khỉ dùng hai tay bịt mắt, bịt miệng, bịt tai bị hiểu theo ý là mù, câm, điếc. Đã có một thời, mặt hàng này bị tẩy chay, chẳng ai thèm ngó ngàng đến bởi không mấy người hiểu được ý nghĩa thực của nó.
5 năm trước, anh Nguyễn Minh Văn (32 tuổi, trưởng phòng nhân sự của một công ty sản xuất bánh lớn tại Hà Nội) kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện mà anh cho là “tai nạn” nhớ đời. “Thời điểm đó, tôi vừa được cất nhắc lên chức trưởng phòng nhân sự. Để cảm ơn sếp, tôi nhờ người bạn bên Nhật “thửa” cho bộ tượng khỉ “tam không” về làm quà biếu. Để thêm phần sang trọng và giá trị, tôi thuê thợ kim hoàn dát vàng lên tượng.
Để tạo bất ngờ, tôi mang bộ tượng khỉ đặt lên bàn làm việc của sếp. Ai ngờ, vừa đến phòng làm việc, nhìn thấy tượng 3 con khỉ trên bàn, sếp mặt đỏ tía tai quát mắng om sòm. Sếp nói rằng tôi đang dùng những bức tượng này “yểm bùa” ông ấy để leo lên vị trí giám đốc. Ông ấy hiểu 3 bức tượng này theo nghĩa không nghe, không nhìn, không nói và cho rằng tôi muốn ông là bù nhìn. Thế rồi, sếp bắt tôi viết đơn xin nghỉ việc.
Thực ra, tôi biếu sếp món quà tượng khỉ này với mong muốn rằng ông ấy không phải suy nghĩ nhiều, mọi thứ được bình an. Đúng là kính chẳng bõ phiền”, anh Văn buồn rầu kể lại.
Để hiểu rõ hơn về món đồ này, PV tìm đến một cửa hàng bán đồ mỹ nghệ trên đường Giải Phóng (Hà Nội). Theo quan sát của PV, ở đây có rất nhiều tượng khỉ “tam không” được làm bằng những chất liệu khác nhau từ gỗ, đồng cho đến dát vàng.
 Bộ khỉ “3 không” được nhiều người săn lùng.
Một nhân viên tên Việt giới thiệu: “Phần lớn khách hàng của chúng em là người đã lớn tuổi. Họ mua về để tặng người thân, tặng con cháu với ý nghĩa khuyên răn. Ví dụ, tượng khỉ bịt mắt thì ngầm hiểu là không nhìn thấy những việc làm xấu mà học theo. Khỉ bịt miệng là không nói những điều xấu. Khỉ bịt tai là không nghe những lời xấu. Tuy nhiên, cũng có người hiểu nghĩa bức tượng này là không nghe, không nhìn, không nói để tâm có thể an. Vào thời điểm giáp Tết, mỗi ngày cửa hàng bán được hơn 10 bộ, có ngày tới 23 bộ”.
Việt cho biết, cửa hàng hiện nay có rất nhiều loại tượng khỉ, với đủ giá bán khác nhau. Tượng khỉ “tam không” bằng gỗ, giá rẻ nhất là 600.000 đồng/bộ, tượng khỉ bằng đồng thì 3,5 triệu đồng/bộ. “Nếu anh muốn làm quà sang trọng thì dát vàng lên, bọn em có thợ làm luôn. Nếu dát vàng 10K giá 9 triệu đồng, 18K là 12 triệu đồng, 24K khoảng 20 triệu đồng/bộ. Khách hàng đến đây mua tượng khỉ “3 không” làm quà biếu chủ yếu dùng loại dát vàng 24K, vừa sang trọng lại có giá trị”, Việt nói.
Cầm trên tay bức tượng khỉ “3 không”, anh Nguyễn Hải Hùng (28 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM) bảo: “Tôi mới đặt một công ty đồ mỹ nghệ làm một bộ tượng khỉ “3 không”. Sếp tôi tuổi Thân, năm nay là năm khỉ nên tôi mua tặng. Người ta nói rằng, nếu đặt bộ tượng khỉ “3 không” trong nhà, phòng làm việc thì chủ nhân sẽ không dính đến những chuyện thị phi. Do không có nhiều tiền nên tôi chỉ đặt bộ tượng khỉ dát vàng 18K. Với người Sài Gòn, không chỉ năm Thân mà vào dịp lễ, tết hàng năm cũng thường tặng nhau bộ khỉ “tam không” để chúc nhau bình an.
Nhìn, nghe, nói bằng tâm
Nhiều nhà văn hóa cho rằng, bộ tượng khỉ “tam không” có nguồn gốc Ấn Độ, xuất hiện từ hàng ngàn năm trước. Nguyên mẫu là bức tượng Thần Vajrakilaya, vị thần có 6 tay, mỗi đôi tay dùng để bịt hai mắt, hai tai và hai miệng. Tượng này có ý khuyên răn người ta “không nhìn bậy, không nghe bậy, và không nói bậy”. Sau đó, vào khoảng thế kỷ VIII, đời nhà Đường, một thiền sư người Nhật đến Trung Hoa và đã mang theo tư tưởng này về Nhật.
Tại Nikko (cách Tokyo chừng 140km về hướng Bắc), ở đền Toshogu hiện nay còn lưu giữ một bức điêu khắc cổ là 3 chú khỉ với 3 cái tên là Mizaru, Kikazaru và Iwazaru. Từ “zaru” gần giống âm với “saru” – nghĩa là con khỉ, nên người ta khắc hình 3 chú khỉ bịt mắt, bịt tai, bịt miệng với vẻ mặt ngộ nghĩnh để biểu thị cho triết lý sống này.
Bức tượng gỗ của nghệ nhân Hidari Jingoro nổi tiếng từ thế kỷ XVII. Theo đó, chú khỉ che mắt tên là Mizaru – nghĩa là “tôi không nhìn thấy điều xấu”. Chú khỉ bịt tai là Kikazaru – “tôi không nghe những điều xấu”. Chú khỉ bịt miệng là Iwazaru – nghĩa là “tôi không nói điều xấu”.
Trao đổi với PV, chuyên gia văn hóa Nguyễn Hữu Tín cho rằng, tượng khỉ “tam không” không quý về mặt vật chất, chỉ rộ lên ở Việt Nam cách đây mấy năm, bởi ý nghĩa của nó ít người biết đến. Thực chất, hình tượng 3 chú khỉ ngộ nghĩnh có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống, khuyên răn con người nên biết ứng xử trong mọi tình huống.
Chuyên gia Nguyễn Hữu Tín cũng phân tích, không phải ngẫu nhiên người xưa chọn khỉ để làm biểu tượng cho triết lý tam không. Bởi lẽ, hình ảnh khỉ “tam không” nhắc nhở về tầm quan trọng của “tâm viên, ý mã” trong phép thiền. Tâm của chúng ta lăng xăng như loài khỉ và ý hướng loạn động như loài ngựa.
Vì vậy, ý nghĩa của bộ khỉ “tam không” này là: Bịt mắt để dùng tâm mà nhìn, bịt tai để dùng tâm mà nghe, bịt miệng để dùng tâm mà nói. Đây cũng là phương pháp dưỡng tâm của phái Thiền Tông. Khi tâm ở trạng thái tịnh, không bị quấy rầy bởi những điều xấu, con người sẽ làm và suy nghĩ về những điều thiện.
Nhà nghiên cứu phong thủy nổi tiếng Nguyễn Hữu Hồng Kỳ (Tổng Giám đốc công ty Visit, quận Phú Nhuận, TP.HCM) nhận định: “Là người đam mê sưu tập tượng cổ, lại thích nghiên cứu phong thủy, năm nay tôi đặc biệt chú trọng về hình tượng khỉ “tam không”. Trong giới sưu tập, không phải ai cũng để ý đến hình tượng này, bởi người ta không biết rằng triết lý của nó vô cùng vi diệu và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Hình tượng khỉ “tam không” khuyên con người nhìn, nghe, nói bằng chính trái tim của mình, không bị bất cứ điều gì xảy ra trước mắt chi phối. Đây là quan điểm sống mà ai cũng cần phải học”.
“Trong xã hội hiện nay, tượng khỉ “tam không” càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Bản chất của con người vốn tò mò nên bất cứ chuyện gì, về bất cứ ai, dù không liên quan thì cũng cố gắng nghe hết để có thể kể lại cho người khác. Tôi thấy mỗi người đều đang tự làm khổ chính mình. Khổ vì nghe chuyện thiên hạ, khổ vì nói chuyện thế gian và khổ vì nhìn lỗi của người khác”, chuyên gia văn hóa Nguyễn Hiếu Tín nói.
Theo Người Đưa Tin