Chị Phạm Thị Thúy, trú tại Mỹ Đình (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, loại củ nhìn giống khoai lang nhưng thơm như nhân sâm này được gọi là khoai sâm, sâm đất, được trồng nhiều tại Lào Cai. Với giá bán lẻ 30.000 đồng/kg và combo 100.000 đồng/4kg, mỗi lần chị Thúy đăng bài bán thu hút hàng trăm lượt đặt hàng chỉ trong vài giờ.
“Năm nay là năm đầu tiên tôi lấy về bán nhưng rất chạy, có người mua cả 5-10kg về ăn dần. Khoai sâm có thể ăn sống, nấu canh xương hoặc xào thịt... dễ chế biến lại là món ăn lạ với người Hà Nội nên nhiều người dù chưa ăn bao giờ cũng rất tò mò đặt về ăn thử”, chị Thúy nói.
|
Nhìn bên ngoài củ khoai sâm giống hệt khoai lang. |
Theo quan sát, củ khoai sâm nhìn giống hệt củ khoai lang với lớp đất cát mỏng bám bên ngoài vỏ. Khi bổ đôi, bên trong khoai sâm có màu vàng nhạt, đưa lên mũi ngửi có mùi thơm nhẹ hệt nhân sâm, khi ăn sống có vị ngọt mát rất đặc biệt.
Đặt mua 2kg khoai sâm về ăn thử, chị Lê Thị Thủy (trú tại Thịnh Liệt, Hoàng Mai, HN) cho biết, thấy trên chợ mạng nhiều người rao bán với giá rẻ và quảng cáo là nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nên mua về ăn.
“Mới đầu tôi lấy về ăn sống thì thấy có vị ngái ngái hơi khó ăn, sau này ăn quen thì lại thấy thơm và ngọt mát như ăn quả lê. Khi nấu canh xương thì có mùi thơm hơn, ngọt hơn, dễ ăn hơn”, chị Thủy nói.
|
Sau lớp vỏ lấm lem đất cát, bên trong củ khoai sâm có màu vàng nhạt và thơm mùi nhân sâm. |
|
Món khoai sâm xào thịt bò - Ảnh: Trần Ngân. |
Từng mở Homstay nhưng gặp nhiều khó khăn, trở về làm nương rẫy, trồng hơn 1ha khoai sâm và thu mua giúp bà con địa phương, chị Trần Thị Ngân, trú tại xã Y Tý, huyện Bát Xát (Lào Cai) cho biết, dự kiến năm nay gia đình chị thu hoạch được khoảng 25 tấn, sau khi trừ các chi phí sẽ lãi khoảng 30 triệu đồng.
“Ở đây ai cũng trồng khoai sâm hết do chất đất và khí hậu phù hợp nên rất dễ trồng. Hơn nữa loại củ này cũng được rất nhiều người ưa chuộng, mỗi mùa nếu tính cả thu mua giúp bà con tôi bán được trên 150 tấn khoai sâm ra thị trường, chưa kể các đầu mối thu mua khác”, chị Ngân cho biết thêm.
|
Người dân thu hoạch khoai sâm tại Y Tý - Ảnh: Trần Ngân. |
|
Khoai sâm cho năng suất cao, dễ chăm sóc và phù hợp với vùng đất cao trên 1.600 mét so với mực nước biển. |
Chị Ngân cho hay, mùa khoai sâm chỉ kéo dài 1-2 tháng nên để bảo quản được lâu thì cần để nơi khô thoáng. Hơn nữa, khoai sâm có tính hàn nên khi nấu phải cho thêm gừng tươi và không nấu cùng hải sản.
Trao đổi với PV, ông Sí Trung Kiên, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bát Xát cho biết, khoai sâm được triển khai trồng tại địa bàn huyện Bát Xát từ khoảng 10 năm trước, chủ yếu phục vụ nhu cầu tại địa phương nhưng khoảng 4-5 năm nay mới trở thành hàng hóa được tiêu thụ số lượng lớn trên cả nước.
Toàn huyện Bát Xát hiện có hơn 100ha trồng khoai sâm với sản lượng trên 4.000 tấn/vụ. Do là loại cây trồng đặc biệt, chỉ thích hợp với một số địa phương có diện tích đất có độ cao trên 1.600 mét so với mực nước biển, mỗi năm cho thu hoạch 1 vụ. Vài năm trở lại đây, khoai sâm được một số đơn vị thu mua số lượng lớn để sấy, làm nước uống và làm mứt… trở thành loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao của địa phương.
|
Khung cảnh mua bán khoai sâm nhộn nhịp tại xã Y Tý - Ảnh: Trần Ngân. |
Theo tìm hiểu, sâm đất có nguồn gốc từ Tây Tạng (Trung Quốc), du nhập vào Việt Nam khoảng những năm 1990. PGS.TS Trần Văn Ơn (Đại Học Dược Hà Nội) đã nghiên cứu và giúp bà con Hà Nhì trồng và phát triển tại 4 xã thuộc huyện Bát Xát (ALu, Ngải Thầu, Y Tý, Trịnh Tường) và từ đó vùng này được coi là "thủ phủ" của sâm đất.
Đông y ghi nhận sâm đất vị ngọt thanh, mát, có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng, long đờm, giảm đau, sưng trong viêm khớp… Bà con hay đem củ sâm đất ngâm với rượu để uống. Nếu ăn tươi sống thì sâm đất còn giúp cơ thể giải nhiệt, mát gan, hỗ trợ chữa bệnh cao huyết áp, còn trị được các bệnh ngoài da (ghẻ lở), giúp liền sẹo nhanh...
Theo Dân Việt