Rượu “mù” đầy quán bình dân

Google News

Sau hàng loạt vụ ngộ độc methanol (có trong rượu) ở Hà Nội, ở hầu khắp các quán nhậu, quán cơm, quán ăn sáng bình dân, giá rẻ tại Thủ đô đều có bán rượu trắng không nhãn mác, không rõ nguồn gốc...

Bị “mời” ra khỏi quán vì thắc mắc về rượu
Trong vai một khách hàng ăn cơm, trưa 11.3 tôi bước vào một quán cơm nhỏ lụp xụp nằm cạnh con mương cáu bẩn trong ngách 184/41 phố Hoa Bằng (phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội). Tại đây, chỉ có khá ít khách ngồi ăn cơm. Ông chủ quán đang hì hụi chia cơm vào từng khay chuẩn bị đi giao cho nhân viên văn phòng ở mấy tòa nhà gần đó. Quan sát thấy trên tủ đựng đồ ăn có khá nhiều các chai thuỷ tinh loại 300ml được dùng để đựng rượu trắng.
Ruou “mu” day quan binh dan
Nhiều vị khách vẫn vô tư uống “rượu quê” không rõ nguồn gốc (ảnh chụp tại một quán cơm bình dân trên phố Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: G.T 
Sau một hồi lân la, tôi hỏi mua rượu trắng, chủ quá này cho biết rượu trắng thì có nhiều loại. Loại rẻ nhất từ 25.000 đồng/lít, đắt nhất là 40.000 đồng/lít, muốn mua loại nào thì ông sẽ rót cho loại đó. Nếu bán lẻ, uống tại quán thì 2.000 đồng/chén.

Bà Nguyễn Thị Nhàn - chủ cơ sở nấu và cung cấp sỉ lẻ rượu lâu năm ở Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, rượu trắng nấu từ gạo thường có mùi thơm nồng. Rượu vừa nấu xong uống sẽ bị sốc, gây đau đầu nhưng sau đó sẽ không sao. Rượu nấu bằng gạo càng để lâu càng êm, uống càng ngon. Còn rượu pha cồn thì uống sẽ không có vị thơm, lúc uống xuống cổ họng sẽ có vị đắng ngắt. Nếu khách muốn thử thì cách tốt nhất nên đổ ra tay. Nếu rượu pha cồn thì sẽ nhanh chóng bị bốc hơi nước hết, còn rượu gạo thì sẽ rất lâu mới khô. Khi khô, tay có cảm giác hơi dính nếu là rượu gạo thật... Giá rượu gạo bà Nhàn bán buôn là 50.000 đồng/lít.

Khi phóng viên thắc mắc về giá rẻ, lo ngại về chất lượng rượu và giơ máy ảnh ra chụp thì ông này liền tỏ thái độ không hài lòng và “mời” chúng tôi ra khỏi quán, kèm nhiều lời lẽ thô tục.
Chiều cùng ngày, phóng viên có đi khảo sát qua một số quán cóc trên đường Trung Kính, đường Trần Kim Xuyến (phường Yên Hòa, Cầu Giấy) thì thấy vẫn còn khá nhiều quán có bán rượu trắng giá rẻ. Các chủ cửa hàng này đều cam kết “chất lượng đảm bảo”.
Khách vẫn vô tư uống
Trong ngày 12.3, phóng viên tiếp tục khảo sát ở một số quán nhậu, quán cơm vỉa hè trên địa bàn quận Tây Hồ thì thấy tình trạng bày bán rượu mang mác “rượu quê” rất phổ biến. Tại quán vịt quay G.B (đường Xuân La, phường Xuân Tảo), phóng viên cùng bạn gọi đồ ăn và gọi thêm một chai rượu ngâm thuốc bắc. Chủ cửa hàng này cho biết, không có rượu ngâm thuốc bắc, cửa hàng chỉ phục vụ rượu nút lá chuối, rượu ngâm chuối và rượu ngâm táo mèo.
“Các em cứ yên tâm, rượu nhà chị là rượu chất lượng, chị bán 40.000 đồng/lít. Nhà chị còn vừa có đoàn tới kiểm định về chất lượng rượu xong. Rượu thì ngon khỏi chê”. Nói rồi chị chủ cửa hàng giơ tay chỉ cho phóng viên xem tờ giấy cam kết của cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch và không bán rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc. Cũng theo chị này, mới hôm trước chính quyền qua kiểm tra và yêu cầu dán bản cam kết này. Có điều, tờ giấy không ghi rõ ngày kiểm tra cũng như người ký cam kết. Điều này dễ khiến khách hàng nghi ngờ về chất lượng rượu, thực hư việc kiểm tra, kiểm định rượu.
Mặc dù nói cam kết không bán rượu không rõ nguồn gốc nhưng chị này vẫn bán rượu ngâm, rượu trắng không hề có nhãn mác gì, chỉ với câu “cam kết về chất lượng, khẳng định nguồn gốc là rượu quê”.
Cách bàn mà phóng viên ngồi không xa, 3 vị khách đang miệt mài nâng chén. Trên bàn đã có 3 vỏ chai Lavie nhựa loại 500ml. Sau một hồi lân la làm quen, hỏi chuyện ba vị này cho biết, rượu ở quán khá ngon, mặc dù lúc đầu uống hơi sốc. “Chúng tôi ngồi quán này nhiều rồi, quán quen và giá rẻ. Cuối tuần anh em mới đi làm vài chén thôi chứ ngày thường còn bận đi làm, ít khi uống lắm” – 1 trong 3 khách nhậu nói. Khi hỏi về việc có biết thông tin vừa có mấy trường hợp bị ngộ độc rượu có chứa methanol không thì anh này hồn nhiên trả lời: “Biết chứ, nhưng mấy người đó chắc là do không may thôi. Mình uống mãi có sao đâu, quan trọng là phải mua và uống ở quán quen”.
Mặc dù đã 21 giờ, chúng tôi rời khỏi quán nhưng vẫn còn khá nhiều sinh viên của Trường ĐH Nội vụ (cạnh quán) bước vào ăn uống, gọi rượu trắng để mừng sinh nhật 1 bạn trong nhóm.
Chúng tôi tiếp tục khảo sát ở khu chợ Phú Gia (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội). Đây là khu vực có hàng trăm công nhân đang trọ để thi công công trình khu tập thể của UBND quận Tây Hồ. Một số quán cóc xung quanh công trường như quán ăn sáng, quán cơm đều có cung cấp rượu giá rẻ. Khi chúng tôi hỏi mua một loại rượu có thương hiệu khá phổ biến, bà Nguyễn Thị Lan – chủ quán cho biết không có loại đó, quán chỉ phục vụ dân lao động, dân làm công trình nên chỉ bán rượu quê giá rẻ.
Bà Lan kể, mỗi ngày bà bán được từ 20-30 lít rượu quê cho công nhân, lao động trong công trường. Rượu bà bán là rượu quê, bố đẻ ở Hà Giang nấu chuyển xuống. Bà Lan còn rót cho phóng viên một chén để thử. Nhấp chén rượu không thấy vị thơm của rượu gạo mà chỉ thấy một vị cay, đắng ngắt nơi cổ họng. Bà Lan vẫn quảng cáo tới tấp: “Nếu em lấy nhiều thì chị bán cho giá rẻ chỉ 30.000 đồng/lít thôi. Còn nếu lấy 1-2 lít thì phải 40.000 đồng/lít. Muốn uống rượu gì chị cũng có, rượu trắng, rượu ngâm táo mèo, rượu ngâm chuối, rượu ngâm thuốc bắc…”.
Bà Lan nói chẳng sai, vừa dứt lời đã có tốp thợ công trình vác can ra mua 5 lít rượu để “tối nhậu chơi cuối tuần”.
Có thể bị phạt tù đến 15 năm
“Việc sản xuất, kinh doanh rượu phải thực hiện theo quy định tại Nghị định số 94/2012. Theo đó việc sản xuất, kinh doanh rượu phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; sản phẩm rượu tiêu thụ tại Việt Nam phải thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa thực phẩm; phải đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm theo quy định tại Điều 13 của nghị định này…
Về vụ việc 9 sinh viên bị ngộ độc rượu, nếu cơ quan đều tra xác định được người sản xuất rượu và chủ cửa hàng bán rượu đã vi phạm qui định về an toàn thực phẩm, tự ý pha chế rượu không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép mà bán lưu thông ra thị trường dẫn đến những sinh viên trên sau khi uống gây tử vong, hay gây thiệt hại nghiêm trọng sức khỏe thì phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 1999. Cụ thể, điều này quy định:
1. Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Luật Đại Nam)
Vụ việc mới chỉ bắt đầu...
Ai từng trải qua thời sinh viên cũng biết rất rõ, những dịp lễ tết đặc biệt, thậm chí những dịp cuối tuần, các bạn trẻ cũng tụ tập nhau làm nồi lẩu với vài chai rượu. Vì vậy, nếu các cơ quan chức năng không xử lý nghiêm vụ việc này, truy ra cho được nguồn gốc cung cấp rượu gây ngộ độc thì tôi nghĩ vụ việc đáng tiếc của các em sinh viên này mới chỉ là bắt đầu. Là một người làm cha, làm mẹ, lo cho lớp trẻ độ tuổi như con của mình, tôi thực sự hy vọng các cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân sự việc, đối tượng nấu và phân phối rượu độc.
Bạn đọc Nguyễn Thị Hòa (Tây Hồ, Hà Nội)
Tiền nào của nấy...
Việc sinh viên uống rượu là chuyện bình thường, thích là uống và tiện đâu thì mua ở đó, từ cửa hàng tạp hóa, đến quán cơm bình dân. Có nhiều tiền thì mua rượu đắt, ít tiền thì mua rượu loại 20.000 đồng/lít. Sinh viên bọn em cũng không quan tâm đến methanol là cái gì. Chỉ biết nếu rượu “chuẩn” thì uống say ít đau đầu và khát nước, rượu dởm uống xong thường đau đầu. Tất nhiên tiền nào của ấy thôi...
Nguyễn Văn Công (sinh viên Trường CĐ Công nghệ Hà Nội)
Lê Chiên - Khánh Gia (ghi)
Theo Minh Nguyệt/Dân Việt