Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ kết luận Công ty thực phẩm Đại La cố ý làm “nhái” sản phẩm rượu Men’Vodka của Công ty Cổ phần Rượu bia nước giải khát Aroma Việt Nam. Trước đó, trên thị trường, xuất hiện những chai rượu Men’s “nhái” có ghi trên bao bì là sản phẩm của Dailaco.ltd (Công ty thực phẩm Đại La, địa chỉ: CN Cao, Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội và H58 Kha Vạn Cân, Phường Linh Tây, Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh).
Công ty này đã sử dụng kiểu dáng chai, hình ảnh bao bì tương tự từ màu sắc, kiểu dáng chai, cách trình bày bao bì sản phẩm của rượu Men’ Vodka của Công ty Cổ phần Rượu bia nước giải khát Aroma Việt Nam (Hưng Yên), mà người tiêu dùng quen gọi là “rượu men”, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa dịch vụ mang nhãn hiệu Men’Vodka.
|
Chai vodka men bị tố làm "nhái". |
Sản phẩm “nhái” có cấu trúc và cách trình bày tương tự: Sản phẩm đăng ký bảo hộ của công ty Arona gồm phần chữ MEN’ VODKA (nhãn hiệu) và phần hình là 7 người đàn ông ngồi trên lưng ngựa đứng trên con đường cách điệu giống như dải hình chữ nhật; tất cả được đặt trên nền hình một người đàn ông nhìn nghiêng đội mũ có vành. Trong khi đó, phần chữ và phần hình ảnh trên bao bì của sản phẩm “nhái” gồm chữ MEN’S và hình mặt người đàn ông nhìn trực diện, đầu đội mũ có vành; phía trước trên nên vai phải và vai trái người đàn ông có hình 8 người ngồi trên lưng ngựa.
Theo kết quả giám định của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, sản phẩm rượu Men’s của công ty thực phẩm Đại La có mẫu mã “tương tự đến mức gây nhầm lẫn” với sản phẩm rượu Men’ Vodka của công ty Aroma.
|
Ông Bùi Quang Thắng. |
Giám đốc bán hàng Công ty Cổ phần Rượu bia nước giải khát Aroma Việt Nam, Bùi Quang Thắng cho biết, ngay khi tiếp nhận thông tin (tháng 11/2013), công ty Aroma đã gửi nhiều bộ hồ sơ lên các cấp có thẩm quyền để yêu cầu làm rõ hành vi này. Đến đầu tháng 4/2014, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có văn bản chính thức kết luận về những sản phẩm nói trên. Theo kết luận số NH092-14TC/KLGĐ nêu rõ sản phẩm rượu Vodka Men’s của Công ty TNHH CB Thực phẩm Đại La đã xâm phạm quyền (quy định tại điều 11 Nghị định 105/2006 sửa đổi) đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo GCNĐKNH số 85346 của Công ty Cổ phấn Rượu bia nước giải khát Aroma.
Trước đó, tháng 1/2013, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an phía Nam phát hiện công ty Đại La đang tiến hành sản xuất “nhái” các loại rượu mang nhãn hiệu nổi tiếng nhưng đều không có giấy phép đủ điều kiện sản xuất.
Lực lượng chức năng đã tạm giữ 1.990 chai rượu các loại, 212.700 nhãn rượu, khoảng 3 tấn bao bì, hộp nhãn hiệu các loại rượu, 135 kg nguyên liệu phẩm màu, hương liệu đã hết hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc để sản xuất các loại rượu. Trong đó, 10 kg hương nho hết hạn sử dụng ngày 19/9/2009, 6 kg phẩm màu đỏ hết hạn ngày 22/10/2012, 30 kg hương Vodka hết hạn ngày 30/5/2011, 87 kg màu caramel và 2 kg hương Rhum không có nhãn phụ.
Thiên Hải