Quy định lạ trong ngành hàng không

Google News

(Kiến Thức) - Mỗi đất nước lại có những quy định khắt khe với hàng không nước mình, mục đích của họ cũng là để các chuyến bay được an toàn hơn.


Cấm tiếp viên tô son đậm

Tiếp viên của hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (THY) không được phép sử dụng son môi màu quá tươi như hồng hay đỏ đậm khi làm việc. Quy định mới được THY đưa ra hồi đầu tháng 5 này đã làm dấy lên phản ứng mạnh mẽ từ phía nhiều phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. Họ đã đăng tải hàng loạt hình ảnh mình tô son đỏ đậm lên mạng xã hội kèm theo những lời bình luận nhằm phản đối quyết định vô lý này đối với các tiếp viên hàng không.

 Đồng phục của nữ tiếp viên THY hiện nay. Các nữ tiếp viên này đã nhận lệnh cấm tô son môi lẫn sơn móng tay đỏ. Ảnh: Turkish Airlines.

Trong khi đó, đại diện THY nhất quyết bảo vệ lệnh cấm và giải thích: "Việc trang điểm đơn giản, thuần khiết bằng màu nhạt là phù hợp với các nhân viên làm việc trong lĩnh vực dịch vụ. Nó giúp họ thanh lịch và thân thiện hơn trong giao tiếp".
Hãng THY còn cho rằng, các nữ tiếp viên không nên sơn móng tay hoặc tô son các màu đậm… bởi nó "làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh thẩm mỹ" của hãng hàng không này.

Tuy nhiên, ngày 10/5, Giám đốc điều hành của THY đã tuyên bố gỡ bỏ lệnh cấm trên sau khi truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ tố giác các quản lý cấp dưới đã tự ý áp dụng lệnh cấm này. 

Hồi tháng 2/2013, mẫu đồng phục mới cho các tiếp viên của hãng hàng không quốc gia cũng đã bị chỉ trích mạnh mẽ bởi đó là những bộ váy dài đến mắt cá chân kèm khăn trùm đầu. Nhưng rất may, trang phục này chưa được thông qua. Trước đó, nhiều hãng hàng không tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã ngừng phục vụ rượu trên các chuyến bay nội địa.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayyip Erdogan, Chủ tịch Đảng Công lý và Phát triển, người đã cầm quyền hơn một thập kỷ qua, bị cho là có liên quan tới lệnh cấm này.

Hàng không Mỹ "cấm cửa" dao bỏ túi

Ngày 25/4 vừa qua, Cơ quan An ninh Vận tải Mỹ (TSA) tuyên bố sẽ gia tăng thời gian nghiên cứu điều luật cho phép hành khách được đem theo dao bỏ túi và các vật liệu sắc nhọn khác trong hành lý xách tay lên máy bay. Điều luật này bị hoãn vô thời hạn trong bối cảnh nước Mỹ đang bị đe dọa bởi những âm mưu khủng bố. 

 Dao bỏ túi cùng nhiều vật liệu sắc nhọn cỡ nhỏ khác sẽ tiếp tục bị cấm vô thời hạn ở Mỹ. Ảnh: Internet

Trước đó, TSA thông báo, tất cả hành khách sẽ bắt đầu được đem theo những con dao bỏ túi, cùng nhiều vật liệu sắc nhọn loại nhỏ khác, như bấm móng tay, kéo, tua vít, lên máy bay từ ngày 25/4. Theo đó, những con dao có lưỡi ngắn hơn 6 cm hoặc rộng chưa tới 1,3 cm sẽ được phép đưa lên máy bay. Theo TSA, luật mới này sẽ thúc đẩy quá trình di chuyển bằng đường hàng không, đồng thời cho phép lực lượng an ninh tập trung tới các vật dụng nguy hiểm hơn. 

Tuy nhiên, điều luật này vấp phải một làn sóng phản đối từ giới lập pháp, các hãng hàng không và nhiều người dân, giữa bối cảnh nước Mỹ đang trở thành mục tiêu của những âm mưu khủng bố. 

Thượng nghị sỹ Charles Schumer, thuộc tiểu bang New York, cho rằng quyết định trì hoãn điều luật mới của TSA là một "bước đi chắc chắn", hướng tới mục tiêu bảo vệ nước Mỹ khỏi những đe dọa từ hàng không.

Hàng không Anh "cấm cửa" người tố giác chính phủ Mỹ

Chính phủ Anh đã lệnh cho các hãng hàng không nước mình không cho phép cựu nhân viên CIA Edward Snowden, người tiết lộ chương trình nghe lén của chính phủ Mỹ, bay đến Anh. Cảnh báo của Bộ Nội vụ Anh được đưa ra hôm 10/6 vừa qua. 

Trong cảnh báo của Bộ Nội vụ Anh có đính kèm một bức ảnh của Snowden, ngày tháng năm sinh, số hộ chiếu, cùng khuyến cáo: "Nếu người này cố gắng đi Anh, các hãng hàng không hãy từ chối cho anh ta lên máy bay".

 Cựu nhân viên CIA Edward Snowden. Ảnh: BBC

Tài liệu còn cảnh báo các hãng hàng không rằng họ có thể bị phạt tiền liên quan tới việc bắt giữ và di dời Snowden nếu họ cho phép anh ta lên máy bay. Theo trang web của Bộ nội vụ Anh, mức phạt cho một tình huống như vậy vào khoảng 3.100 USD.

Theo BBC, Bộ nội địa Anh có thẩm quyền chặn ai đó nhập cảnh vào Anh trong các trường hợp cần thiết. Việc này từng được thực hiện trước đó để ngăn chặn các chính trị gia cực đoan châu Âu và các giáo sĩ truyền giáo cực đoan vào Anh.

Cựu nhân viên CIA Snowden tiết lộ các chương trình theo dõi điện thoại và Internet của chính phủ Mỹ với báo chí. ành động tiết lộ của Snowden gây chia rẽ trong công chúng Mỹ. Một số người gọi Snowden là người hùng, nhưng những người khác kêu gọi xét xử anh này vì tội phản quốc.

Cấm vận chuyển vây cá mập

Hai hãng hàng không lớn nhất của Hàn Quốc, Korean Air và Asiana ngày 20/6 thông báo ngừng vận chuyển vây cá mập trên các chuyến bay của hãng.

"Korean Air quyết định tham gia vào chiến dịch bảo vệ hệ sinh thái bằng việc áp dụng lệnh cấm hoàn toàn đối với việc chuyên chở vây cá mập", thông cáo của Korean Air nêu rõ. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, số lượng cá mập trên toàn cầu đã giảm mạnh với khoảng 100 triệu con bị sát hại mỗi năm. 

 Vây cá mập được bày bán tại Hồng Kông. Ảnh: AFP

Asiana, hãng hàng không lớn thứ hai nước này, cũng đưa ra quyết định tương tự, nhưng không nói rõ thời điểm lệnh cấm này có hiệu lực.

Trước Korean Air và Asiana, một số hãng hàng không châu Á đã thực hiện lệnh cấm này trong đó Hãng Cathay Pacific của Hồng Kông (Trung Quốc) ngừng vận chuyển vây cá mập từ tháng 9/2012. 

Hàng không Ấn Độ tuyển tiếp viên nữ nhẹ cân

Hãng hàng không Go Air cho biết, sẽ tiến hành chính sách tuyển dụng mới trong tương lai: chỉ tuyển nữ tiếp viên "nhẹ cân". Đây là một nỗ lực nhằm giảm thiểu tối đa tải trọng trên mỗi chuyến bay, cải thiện hiệu năng sử dụng nhiên liệu và đạt mục tiêu tiết kiệm chi phí cho hãng.

 Tiếp viên với thân hình "mảnh mai" sẽ được ưu tiên trong tuyển dụng hàng không ở Ấn Độ. Ảnh: Internet.

Nữ tiếp viên có cân nặng nhẹ hơn trung bình từ 15-20 kg so với đồng nghiệp nam giới. Theo ước tính, cứ tăng 1kg tải trọng, hãng sẽ phải trả 0,05USD cho mỗi giờ bay, cộng các khoản liên quan, chi phí nhiên liệu tốn thêm mỗi năm có thể lên đến 500.000 USD. Hiện GoAir đang có 130 thành viên phi hành đoàn nam giới, đặt mục tiêu giảm xuống 80 trong tương lai gần và dự kiến toàn bộ 2000 nhân viên trên các chuyến bay chỉ có nữ giới. Tuy nhiên, phát ngôn viên của hãng hàng không đã phủ nhận việc họ thực hiện chính sách tuyển dụng mới vì có định kiến về giới tính.

Đối mặt với tình trạng giá nhiên liệu leo thang, các hãng hàng không trên thế giới phải sử dụng nhiều biện pháp nhằm tối giản trọng lượng trên máy bay để tiết kiệm chi phí nhiên liệu. Năm 2010, một hãng hàng không Tây Ban Nha lần đầu tiên đánh phí cân nặng đối với hành khách trên máy bay. Năm 2012, hãng hàng không Ryanair, Iceland cũng đã tiến hành in tạp chí (kiêm thực đơn) trên máy bay ở khổ nhỏ hơn nhằm góp phần giảm tải trọng và bớt chi phí in ấn. Cùng năm này, hãng hàng không Samoa Air đã trở thành hãng hàng không đầu tiên thu phí theo trọng lượng. 

Hàng không Hồng Kông cấm tiếp viên đeo khẩu trang

Năm 2009, khi mà dịch cúm lợn hoành hành, nghiệp đoàn tiếp viên hàng không đề nghị hãng hàng không Cathay Pacific của Hồng Kông cho phép phi hành đoàn đeo khẩu trang khi phục vụ bữa ăn trên tất cả các chuyến bay từ Mỹ, nơi có gần rất nhiều ca nhiễm cúm lợn. 

 Tiếp viên Cathay Pacific lo bị lây bệnh trong quá trình phục vụ bữa ăn trên máy bay. Ảnh: Flickr

Tuy nhiên, hãng hàng không Hồng Kồng đã từ chối yêu cầu này, và cho rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không có hướng dẫn nào về việc đeo khẩu trang có thể ngăn virus lây lan. Tuy nhiên, hãng vẫn tăng cường lượng khẩu trang dự trữ dành cho hành khách để phòng trừ nguy cơ.

Quyết định của Cathay Pacific khiến nghiệp đoàn tiếp viên hàng không nổi giận.

TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU




Hải Sơn (Tổng hợp)