Bún có chất gây ung thư
Mới đây, kết quả xét nghiệm mẫu bún lấy từ 2 cơ sở trên địa bàn TX.Tây Ninh cho thấy trong bún có chất huỳnh quang (Tinopal), một loại hóa chất có khả năng gây ung thư.
Trước đó, đầu tháng 5/2013, cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh đã tiến hành kiểm tra một số cơ sở sản xuất bún, hủ tiếu, bánh canh ở KP.2, P.4, TX.Tây Ninh. Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện nhiều cơ sở không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đáng lưu ý, tại cơ sở của ông Võ Văn Ánh, đoàn kiểm tra lấy 3 mẫu gồm nước luộc bún, bột đã khuấy trộn, hóa chất thu tại kho nguyên liệu gồm 200 gr màu vàng chanh và 420 gr bột màu trắng đem xét nghiệm.
Kết quả, chất màu vàng chanh là chất tẩy trắng (huỳnh quang - Tinopal), còn chất bột màu trắng là chất chống mốc (Sodium benzoat); mẫu nước bột trộn gạo đã khuấy làm bún dương tính với chất tẩy trắng.
Ông Ánh khai cơ sở của ông hoạt động từ tháng 10/2007 đến nay, trong quá trình sản xuất có sử dụng hóa chất chống mốc, tẩy (bột màu vàng chanh) để tẩy trắng bún.
Tại cơ sở của ông Trần Văn Cương, đoàn kiểm tra cũng lấy 3 mẫu gồm nước luộc bún, bột đã khuấy trộn, hóa chất thu tại kho nguyên liệu gồm một bịch bột màu vàng chanh và 2 bịch bột màu trắng.
Kết quả xét nghiệm chất màu vàng chanh là huỳnh quang, một bịch bột trắng là Sodium benzoat và bịch còn lại là hàn the (solium tetraborate); mẫu nước bột trộn gạo đã khuấy làm bún dương tính với chất tẩy trắng. Những chất này đều có khả năng gây ung thư cho người tiêu dùng.
Mít chín nhờ tiêm hóa chất
Muốn mít chín, các lái buôn khôn dùng các phương pháp truyền thống như đóng cọc, bôi vôi vào cuống mít hay phơi nắng mà hầu hết đều ép chín bằng hóa chất.
|
Tiêm hóa chất cho mít chín nhanh. Ảnh: Vietq
|
Tại những cơ sở chế biến mít thường xuất hiện hai loại hóa chất khác nhau. Một loại hóa chất có màu vàng ươm và một loại hóa chất có màu trắng tinh. Hai loại hóa chất đều làm cho trái mít nhanh chín.
Nhưng theo người làm mít, hóa chất màu trắng lạ và “nặng đô” mít nhanh chín, múi đẹp nên được sử dụng nhiều. Và hiện tại, loại thuốc này được sử dụng triệt để trong việc thúc ép trái mít chín theo ý muốn của dân trong nghề. Hóa chất màu vàng thương hiệu trong nước, không còn được sử dụng nhiều vì “lực” của nó nhẹ, mít chín lâu hơn, múi không to và đẹp lại thường có vị đắng.
Theo các đầu nậu tên Tứ ở Bình Phước, trong các công đoạn làm mít thì khâu “nạp” hóa chất là quan trọng nhất bởi cho mít “ăn” hóa chất quyết định đến tiến độ, chất lượng, lợi nhuận của nghề lột mít.
“Muốn làm có lời thì phải dùng hóa chất để mít chín nhanh hơn, múi đẹp, ngon. Mít chín nhanh thì tiết kiệm được thời gian và công sức, đương nhiên sẽ tạo ra nhiều thành phẩm, lợi nhuận càng cao”, anh Tứ giải thích.
Anh Tứ giảng giải thêm: “Chẳng hạn, hiện nay trên thị trường thương lái thu mua với giá 19 ngàn đồng/ 1 ký múi thành phẩm thì cháu tính toán làm sao trừ hết chi phí từ khâu mua mít trái, thuê công nhân, tiêm hóa chất, bóc… mỗi ký mít thành phẩm phải thấp hơn giá thu mua của thương lái thì mới có lời”.
Lời nhiều hay ít là phụ thuộc vào quy mô của xưởng. Xưởng càng lớn, nhiều mít, nhiều công nhân thì lợi nhuận cao. Vì vậy để có đủ số lượng mít chín nhiều cùng lúc phải “nạp” hóa chất để mít mau chín.
Doanh nghiệp đóng gói sữa bột bằng…xẻng
"Có doanh nghiệp đóng gói sữa bột bằng xẻng", đó là nhận định của ông Trịnh Quý Phổ, tổng thư ký hiệp hội Sữa Việt Nam, tại cuộc họp về sản xuất thực phẩm an toàn.
Theo ông Phổ, đó là kết quả một cuộc kiểm tra một số doanh nghiệp để kết nạp thêm vào hiệp hội mới được thực hiện gần đây. Tuy không tiết lộ danh tính của doanh nghiệp dùng xẻng để xúc sữa đóng gói như miêu tả, nhưng ông Phổ nói rõ, đó là cách làm không đảm bảo quy trình chất lượng theo tiêu chuẩn, và như vậy sẽ không đảm bảo được an toàn thực phẩm đối với việc đóng gói sữa bột. Ông Phổ chỉ có thể chắc chắn về chất lượng của tám doanh nghiệp là thành viên của hiệp hội Sữa Việt Nam như Vinamilk, FrieslandCampina, Nutifood, IDP, Mộc Châu… vì những doanh nghiệp này áp dụng các tiêu chuẩn quản lý như ISO, HACCP và có các dây chuyền công nghệ hiện đại.
Thống kê của Euromonitor cho biết với mặt hàng sữa nước thì năm 2012 hai công ty lớn là Vinamilk và FrieslandCampina Việt Nam chiếm 66% thị phần. Phần còn lại là của nhiều doanh nghiệp khác như: Hanoi Milk, Đường Quảng Ngãi, Sữa Ba Vì, Sữa Mộc Châu… “Thực tế vẫn có không ít các loại sữa không được kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm được bán trên thị trường và len lỏi về các vùng nông thôn”, ông Phổ cho biết.
Khoai tây Trung Quốc nhiễm độc về Việt Nam
Ngày 15/6, toàn bộ 26 tấn khoai tây Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao gấp 16 lần cho phép đã được lực lượng chức năng TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng tiêu hủy.
|
26 tấn khoai tây nhiễm độc bị thu giữ. Ảnh: Tuổi trẻ
|
Trước đó, ngày 10/6, lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra và phát hiện tại cơ sở kinh doanh của bà Nguyễn Thị Nguyệt (phường 12, TP Đà Lạt) có 52 tấn khoai tây khả nghi nên lấy mẫu để kiểm định.
Kết quả kiểm định của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cho thấy 26 tấn khoai tây hồng có dư lượng hoạt chất Chlorpyrifos (thuốc bảo vệ thực vật) vượt gấp 16 lần ngưỡng cho phép của Bộ Y tế. Riêng 26 tấn khoai tây vàng được trả lại cho chủ hàng nhưng ngành chức năng tiếp tục giám sát việc tiêu thụ.
Theo bà Nguyệt, 26 tấn khoai tây hồng được bà mua từ Công ty Vân Linh (Lào Cai), 26 tấn khoai tây vàng mua từ Công ty Anh Quân (Hà Nội). Toàn bộ số khoai tây này có xuất xứ từ Trung Quốc.
BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU
Nguyên Đan (tổng hợp)