Giữa cái nắng như thiêu đốt của đất trời Tây Bắc, PV theo chân ông Trần Đức Văn vào vườn mắc ca. Thoạt nhìn phía bên trên thì vườn cây mắc ca của ông Văn chỉ toàn lá là lá, xanh đến nhức mắt.
Nhận thấy vẻ nghi ngờ của PV, ông Văn cười thích chí nói: "Anh cứ vô đây, yên tâm, tôi không nói đùa, nói phét nhé". Nói rồi ông Văn dùng 2 tay thác 1 tán lá mắc ca xanh rậm rì lên. Thật bất ngờ, từng chùm quả mắc ca sai như chùm sung đang treo lủng lẳng trước mắt chúng tôi.
|
Phong trào trồng mắc ca nở rộ ở Lai Châu trong mấy năm gần đây. |
Nghe nói trồng mắc ca cho hiệu quả kinh tế cao, năm 2014, ông Văn mạnh dạn mua cây giống về trồng trên mảnh nương cách nhà chừng 300m. Vì chưa hiểu rõ đặc tính cũng như kỹ thuật chăm sóc loại cây mới mẻ này, nên ông không dám đầu tư trồng đồng loạt.
Năm đầu, ông chỉ trồng khoảng 100 cây. Sau một thời gian trồng, chăm sóc, thấy cây mắc ca sinh trưởng, phát triển tốt, hợp với đồng đất nơi đây, ông Văn tiếp tục mua thêm cây giống về trồng. Mỗi năm trồng một ít, đến nay ông Văn đã sở hữu vườn mắc ca với hơn 1.000 cây. Ông văn trồng nhiều dòng mắc ca để chúng bổ trợ cho nhau trong việc thụ phấn, ra hoa, đậu quả. Ông vừa trồng mắc ca xen với chè vừa trồng thuần trên một diện tích nhất định.
Trò chuyện với PV, ông Văn vui vẻ cho biết: Cây mắc ca rất hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở thành phố Lai Châu nói riêng, tỉnh Lai Châu nói chung. Loài cây này dễ trồng và cũng không đòi hỏi cao về kĩ thuật chăm sóc. Trồng mắc ca tốt nhất nên trồng bằng cây ghép, chứ không nên trồng bằng hạt. Vì trồng cây ghép thì cây không những phát triển nhanh mà còn hạn chế được nhiều sâu bệnh.
“Tôi chủ yếu sử dụng phân chuồng kết hợp với NPK để bón cho mắc ca. Mỗi năm, tôi cho chúng “ăn” phân 2 lần. Tôi thường bón thúc cho cây mắc ca bằng phân chuồng và phân NPK vào khoảng giữa tháng 2 hàng năm. Sau khi thu hoạch quả xong, tôi lại cho cây mắc ca “ăn” phân lần nữa để chúng sớm hồi phục sau thời gian nuôi quả” – ông Văn tiết lộ với PV.
Không chỉ bón phân đúng thời điểm, đủ liều lượng mà ông Văn còn thường xuyên làm cỏ, tỉa cành, tạo tán cho cây mắc ca, giúp cho mắc ca sinh trưởng, phát triển tốt. Ông Văn cho hay, nhân hạt mắc ca có chứa nhiều chất dinh dưỡng quý, tốt cho sức khỏe của con người nên còn được mệnh danh là "nữ hoàng" quả khô.
“Tôi trồng cây ghép nên đến năm thứ 3, cây mắc ca đã cho quả bói. Hai năm nay, mỗi năm tôi cũng thu được khoản tiền kha khá từ bán quả mắc ca cho thương lái. Tùy theo nhu cầu của khách, người nào thích mua quả thì tôi bán quả, còn ai thích nua hạt thì tôi tách hạt để bán. Giá bán mắc ca cao hơn nhiều so với các loại cây ăn quả khác. Tôi thường bán quả mắc ca tươi cho thương lái với giá 80.000 đồng/kg. Nếu bán hạt khô thì giá cao hơn” – ông Văn bảo vậy.
Theo ông Văn, chỉ vài năm nữa khi cây mắc ca cho quả đồng loạt, năng suất ổn định thì gia đình ông cầm chắc tiền tỷ trong tay.
Theo Thanh Ngân/Dân Việt