Nội Bài ra sao sau khi Bộ trưởng Thăng "siết giá"

Google News

Ngay sau yêu cầu của Bộ trưởng Đinh La Thăng về nâng cao chất lượng dịch vụ tại Cảng HKQT Nội Bài, hàng loạt các mặt hàng ăn uống, dịch vụ đã được kiểm soát giá, chất lượng.

Hiệp thương, giảm giá nhiều dịch vụ
Theo đại diện Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài, Cảng đã rà soát và hiệp thương thống nhất giá dịch vụ phi hàng không giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại cảng. Các mặt hàng ăn uống, hàng hóa dịch vụ thông dụng sẽ được áp giá trần tại 3 khu vực: Công cộng, khu cách ly nội địa và cách ly quốc tế.
Nhiều mặt hàng ăn uống, dịch vụ tại Cảng HKQT Nội Bài đã được kiểm soát giá, chất lượng. 
Với bảng giá mới, trừ một số nhà hàng cao cấp, giá một chai nước tinh khiết loại 0,5 lít tại khu vực công cộng không được quá 15.000 đồng, không quá 20.000 đồng/chai tại khu vực cách ly nội địa và ở khu cách ly quốc tế, chai nước trên không được bán đắt hơn 2 USD trong nhà hàng và 1 USD tại các khu vực khác (giá chưa bao gồm phí phục vụ).
Tương tự, với một bát mỳ, phở, miến không bổ sung thực phẩm hoặc bánh mỳ kẹp thông thường... hành khách sẽ chỉ phải trả số tiền không quá 20.000 đồng, trường hợp khách gọi thêm thực phẩm bổ sung như thịt bò, thịt gà, xúc xích thì giá cũng không quá 50.000 đồng. Riêng tại khu cách ly quốc tế, giá trần cho một bát mỳ, phở, bánh mỳ kẹp... không bổ sung thêm thực phẩm không quá 3 USD.
Các kiốt bán hàng sẽ phải xuất hóa đơn hoặc biên lai khi khách yêu cầu. Bất cứ khách hàng nào có thắc mắc về giá cả dịch vụ có thể gọi ngay cho số điện thoại đường dây nóng được công khai tại nhà ga. Nếu kiốt bán hàng nào bị khách hàng phản ánh tới 3 lần, kiểm tra nếu đúng, sẽ không cho phép kinh doanh tại sân bay.
Đồng bộ nhiều giải pháp mới giảm được thời gian chờ hành lý
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Cảng HKQT Nội Bài cho biết, đang lập phương án mua thêm băng chuyền hành lý, đồng thời, khi mở rộng xong nhà ga T1 sẽ sử dụng thêm băng chuyền hành lý nội địa hiện tại để phục vụ chuyến quốc tế. Tuy nhiên, phương án này phụ thuộc việc đặt mua thiết bị từ nước ngoài, mặt bằng nhà ga không còn diện tích bố trí.... nên Cảng đề nghị cần đồng bộ thực hiện thêm các giải pháp khác như: Điều chỉnh giờ hạ cánh của các hãng hàng không, không để dồn vào một số giờ vàng khiến nhà ga quá tải; hãng vận chuyển phải rút ngắn thời gian đưa hàng từ máy bay vào nhà ga...
Đại diện Cảng vụ Hàng không Miền Bắc cũng cho rằng, để rút ngắn được thời gian chờ lấy hành lý thì cả hải quan sân bay cũng phải đầu tư thêm băng chuyền và thiết bị soi chiếu. Hiện tại, 100% hàng về đều được soi chiếu hải quan để phát hiện gian lận thương mại, trong khi hạ tầng đã quá tải khiến thời gian chờ đợi lấy hành lý quá lâu. Thậm chí, có chuyến bay quốc tế thời gian bay còn ngắn hơn thời gian chờ lấy hành lý.
Như vậy, với cả hai phương án mua thêm băng chuyền hay chờ hoàn thiện công trình mở rộng Nhà ga T1 thì cũng phải chờ hơn 2 tháng nữa tình hình mới có thể chuyển biến rõ rệt.
“Gồng gánh” gấp đôi công suất thiết kế
Lãnh đạo Cục Hàng không VN cho biết Nhà ga T1 – Cảng HKQT Nội Bài được thiết kế đón hơn 6 triệu HK/năm hiện đang “gồng gánh” gấp đôi năng lực với hơn 12 triệu HK/năm. Bên cạnh đó, Nội Bài đang là “đại công trường” với hàng loạt công trình đang được xây mới, nâng cấp như Nhà ga hành khách T2, Nhà ga T1 mở rộng, Nhà ga hàng hóa giai đoạn 2, sửa chữa cải tạo đường lăn sân đỗ, xây mới sân đỗ nhà ga hành khách T2, rồi đường cao tốc Nhật Tân - Nội Bài đã khiến cơ sở hạ tầng quá tải, gây khó khăn cho việc quản lý, khai thác.
Theo Giao Thông Vận Tải