Thịt lợn thối, hàng tấn nội tạng bốc mùi, giấm ăn làm từ axit, cơ sở sản xuất mỡ siêu bẩn… là những vụ phát hiện thực phẩm bẩn gây chấn động dư luận Việt trong 4 tháng đầu năm.
Heo nái bệnh biến thành thịt lợn rừng
Thông tin trên báo Pháp luật TP HCM, sáng 26/1, tổ công tác của Công an huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận bất ngờ kiểm tra căn nhà của ông Tuấn, phố Phú Mỹ, thị trấn Phú Long phát hiện hơn 200 kg thịt heo có da màu vàng đang để ngổn ngang dưới nền đất dơ bẩn đầy nước. Đại diện cơ quan thú y và tổ kiểm tra xác nhận số thịt này không phải là thịt heo rừng, trên bề mặt thịt có dịch nhớt và có mùi hôi thối, thịt có màu tái nhợt. Đặc biệt có một số loại thịt như vú heo đã chuyển sang màu thâm đen.
|
Heo nái bệnh được hô biến thành thịt lợn rừng chuẩn bị đưa vào quán nhậu. Ảnh: Pháp luật TP HCM.
|
Cùng ngày, cơ quan chức năng cũng đã tiến hành kiểm tra căn chòi của bà Nguyễn Thị Kim Chương ở thôn 2, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc và phát hiện nơi đây đang sơ chế hơn 70 kg thịt heo trong tình trạng hôi thối, bốc mùi nồng nặc. Khai báo với cơ quan chức năng, bà Chương cho biết, số thịt hư hỏng này dự định mang đi tiêu thụ ở các quán nhậu với giá rẻ để chế biến các món ăn có sử dụng nhiều gia vị nhằm đánh lừa thực khách.
Phát hiện hơn 2 tấn thịt heo hôi thối chuẩn bị ra chợ bán
Báo Zing đưa tin, ngày 21/4, Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai) cho biết, đơn vị này vừa phát hiện, tịch thu và tiến hành tiêu hủy gần 2 tấn thịt và xương heo thối.
|
Hàng tấn thịt lợn thối chuẩn bị ra chợ bán cho người tiêu dùng. Ảnh: Zing.
|
Trước đó, vào đêm 20/4, Đội Quản lý thị trường số 1 bất ngờ ập vào kiểm tra cơ sở kinh doanh thịt heo của bà T.T.Đào, ngụ phường Tam Hòa (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) cũng phát hiện khoảng gần 2 tấn thịt heo và xương heo đã bốc mùi hôi thối.
Đưa 3.000 kg nội tạng thối lên vùng biên tiêu thụ
Ngày 29/3, tại Km 81 quốc lộ 9, đoạn qua khóm Tây Chính (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), biên phòng Quảng Trị kiểm tra hành chính xe khách biển kiểm soát Lào, phát hiện 30 thùng xốp chứa 3.000 kg nội tạng bốc mùi hôi thối.
|
Hiện trường vụ việc nơi phát hiện số lượng lớn nội tạng thối ở Quảng Trị. Ảnh: Dân Việt.
|
Qua kiểm tra, xác định nội tạng trên đã đổi màu, không đảm bảo an toàn thực phẩm và phạt hành chính ông Tạ Ngọc Tình (trú quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), người vận chuyển số nội tạng từ TP Huế lên Lao Bảo tiêu thụ.
Đột kích lò sản xuất mỡ siêu bẩn ở Hà Nội
Sáng 13/4, Đội 3, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Hà Nội phối hợp với Đội quản lý thị trường số 7 Hà Nội, Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất, chế biến mỡ động vật tại cánh đồng Là Gạo, thuộc huyện Thanh Trì do anh Đinh Văn Thắng, người địa phương làm chủ.
|
Kinh hoàng nguyên liệu làm mỡ ở Hà Nội. Ảnh: 24h.
|
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác liên ngành phát hiện anh Thắng đang thu gom 25 bao tải mỡ bò, trâu chưa qua sơ chế và hơn 80 bao tải mỡ trâu, bò đã qua sơ chế. Tổng trọng lượng gần 5 tấn mỡ các loại.
Ngoài ra, đoàn công tác còn phát hiện tại cơ sở này chứa số lượng lớn mỡ sống bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nhiều bao tải mỡ chưa sơ chế và thùng đựng mỡ thành phẩm bị ruồi bâu kín. Số mỡ thành phẩm không có nhãn mác hàng hoá.
Giấm gạo làm từ axit
Ngày 7/4, lực lượng Phòng Cảnh sát môi trường (PC49, Công an tỉnh Nghệ An) đã kiểm tra, phát hiện xe tải mang BKS: 37C- 007.50 do tài xế Lê Văn Thanh (TP Vinh) vận chuyển 30 thùng cát tông, mỗi thùng chứa 24 chai nước dán nhãn mác dấm gạo Kim Quỳnh. Lúc bị bắt, Thanh khai nhận đã mua số hàng này từ cơ sở sản xuất của bà Nguyễn Thị Kim (trú tại khu Mộc Thống Nhất, khối Cộng Hòa, phường Vinh Tân, TP Vinh). Dựa vào lời khai trên, cơ quan chức năng đã bất ngờ kiểm tra cơ sở chế biến giấm của bà Kim. Tại hiện trường lực lượng chức năng đã phát hiện 146 thùng giấm dạo đang bảo quản và 1 thùng lớn chứa axit acetic nghi ngờ xuất xứ từ Trung Quốc. Kèm theo đó là hàng trăm chai nhựa nửa lít và 2.700 tem nhãn in tên giấm gạo Kim Quỳnh.
|
Phát hiện hàng trăm chai giấm gạo làm từ axit và nước lã chuẩn bị tuồn ra thị trường. Ảnh: Tiền Phong.
|
Khai nhận tại cơ quan công an, bà Kim cho biết số axit này mua tại Huế và bà tiến hành pha với nước lã để đóng chai thành giấm gạo. Tỷ lệ pha chế là dùng 1 lít acid acetic pha với 100 lít nước lã, đánh đều rồi đóng ra chai. Mỗi thùng 25 chai được bà Kim bán chỉ với giá 25.000 đồng.
Còn rất nhiều vụ việc phát hiện về thực phẩm sử dụng hóa chất độc hại trong những tháng đầu năm cũng không khỏi khiến dư luận dậy sóng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay.
Nhụy Hồ (tổng hợp)