Trao đổi với Kiến Thức, PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, các cơ quan chức năng chưa thực sự làm hết trách nhiệm nên mới để xảy ra tình trạng nhập lậu qua đường hàng không gia tăng và tinh vi như hiện nay.
Theo PGS. TS Ngô Trí Long, trách nhiệm đối với nguồn hàng nhập lậu qua đường hàng không thuộc về nhiều cơ quan chức năng, trong đó có Cục Quản lý thị trường (thuộc Bộ Công thương), Cục Thú y (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và Lực lượng chống buôn lậu của Chi cục Hải quan sân bay đó. Những lực lượng này cần theo dõi chặt chẽ nguồn hàng nhập qua đường hàng không để kịp thời phát hiện hàng hóa nhập lậu, truy tìm nguyên nhân và đưa ra biện pháp xử lý. Bởi vì đơn cử như hiện nay, rất khó phân biệt cá tầm Việt Nam và cá tầm có xuất xứ từ Trung Quốc. Bởi lẽ, tình trạng "rửa cá tầm nhập lậu" cũng đang gia tăng. Cụ thể, một số đơn vị, cá nhân trong nước nhập lậu mặt hàng này từ Trung Quốc và dùng trại nuôi tại miền Bắc nước ta làm vỏ bọc để hợp thức hóa thành cá tầm Việt Nam.
Nhập lậu qua đường hàng không gia tăng
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện rất nhiều vụ vận chuyển hàng lậu qua đường hàng không. Mới đây, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Việt Nam gửi đơn kiến nghị về việc "chống nhập lậu cá tầm không rõ nguồn gốc" tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng các bộ, ngành liên quan. Hiệp hội khẳng định, mỗi ngày có tới 2-3 tấn cá tầm không rõ nguồn gốc nhập lậu vào TP.HCM qua sân bay Tân Sơn Nhất.
Hiệp hội cũng khẳng định,
cá tầm ở miền Bắc không được vận chuyển bằng đường hàng không vào TP.HCM vì trong thời gian qua sản lượng cá tầm tại miền Bắc thấp, chưa đủ cung ứng cho thị trường này. Trong khi đó, cá tầm ở Tây Nguyên chỉ vận chuyển vào TP.HCM bằng đường bộ. Do vậy, Hiệp hội cho rằng số lượng 2-3 tấn cá tầm đang nhập lậu vào TP.HCM qua đường hàng không từ miền Bắc vào là cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc. Hiệp hội yêu cầu các hãng hàng không nói "không" với việc vận chuyển đơn hàng cá tầm không rõ nguồn gốc.
|
Tình trạng nhập lậu cá tầm qua đường hàng không đang gia tăng. Ảnh: Internet |
Bức xúc trước tình trạng cá tầm nhập lậu gia tăng, "đe dọa" sự phát triển của thị trường cá tầm trong nước, mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu cũng yêu cầu cần phải kiểm soát chặt cá tầm nhập lậu tại sân bay, cửa khẩu. Theo đó, Cục Thú y phải tiến hành kiểm soát việc vận chuyển cá tầm tại các cửa khẩu, sân bay, nhất là sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất và phải xử lý quyết liệt. Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản tiếp tục kiểm tra cơ sở nuôi cá tầm tại các tỉnh biên giới, đồng thời kiểm tra xem các cơ sở này có phải là "trạm trung chuyển" sản phẩm cá tầm nhập lậu hay không. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu, cá tầm nuôi trong nước không nhiều, theo lẽ thường cá tầm phải được vận chuyển từ miền Nam, miền Trung ra Hà Nội nhưng
cá tầm đang được vận chuyển ngược lại từ Hà Nội vào TP.HCM. Như vậy, có nghĩa là 100% nguồn gốc cá tầm này là nhập lậu từ Trung Quốc về.
Không chỉ mặt hàng thủy sản, động vật hoang dã, công nghệ thậm chí là vũ khí, đạn dược cũng được nhập lậu qua đường hàng không. Thời gian gần đây, Hải quan Nội Bài (Hà Nội) đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ các vụ buôn lậu, vận chuyển bất hợp pháp sừng tê giác qua Cửa khẩu sân bay Quốc tế Nội Bài.
|
Tang vật một vụ bắt giữ vận chuyển sừng tê giác trái phép tại sân bay quốc tế Nội Bài cuối năm 2012. Ảnh: baohaiquan.vn |
Ngày 30/5, khi lực lượng Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài làm thủ tục nhập cảnh cho hành khách trên chuyến bay xuất phát từ Doha (Quatar) qua Bangkok (Thái Lan) hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài, đã phát hiện hành khách Nguyễn Thị Nhàn, hộ chiếu B7239256 (sinh năm 1987, ở Thái Nguyên) có nhiều biểu hiện nghi vấn. Lực lượng Hải quan Nội Bài đã phát hiện 3 miếng sừng tê giác được cất giấu trong áo khoác của Nhàn. Nhàn không xuất trình được giấy phép nhập khẩu nên lực lượng Hải quan đã lập biên bản, tạm giữ số hàng trên và tiếp tục điều tra vụ việc.
Trước đó, ngày 4/5, khi Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài làm thủ tục nhập cảnh cho hành khách trên chuyến bay mang ký hiệu QR614 xuất phát từ Doha (Quatar) qua Bangkok (Thái Lan) hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài, qua soi chiếu hành lý ký gửi, đã phát hiện hành lý của ba hành khách có 19 miếng sừng tê giác với trọng lượng hơn 2kg. Toàn bộ số hàng này được quấn kín trong nhiều lớp giấy bạc và cất trong các hộp bánh kẹo phía trong valy hai đáy.
|
Ngà voi nhập lậu do Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 1 phát hiện năm 2012. Ảnh: Internet |
Ngoài sừng tê giác thì ngà voi, thuốc tân dược hay điện thoại cũng là hàng hóa thường xuyên được phát hiện nhập lậu qua đường hàng không. Ngày 18/3 vừa qua, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, đã chuyển hồ sơ vụ nhập lậu ngà voi qua đường hàng không cho Chi cục Hải quan TP.HCM xử lí theo thẩm quyền. Trong tháng 2/2012, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện trong hành lý của ông Vũ Trùng Dương, quốc tịch Việt Nam nhập cảnh từ Angola về TP.HCM cất giấu trong hành lí kí gửi 35 khoanh sừng ngà voi. Theo kết quả giám định, toàn bộ số hàng nêu trên là ngà voi châu Phi, trọng lượng 22,9 kg, thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, nên Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất đã lập biên bản vi phạm, tạm giữ toàn bộ tang vật để xử lí.
Không chỉ thế, qua đường quà biếu gửi từ nước ngoài, giấu trong hành lý xách tay, súng-đạn-quân trang đang âm thầm nhập lậu vào nước ta qua đường hàng không. Theo các cơ quan chức năng, các loại súng hơi nhập lậu về Việt Nam ngày càng gia tăng do nhiều người muốn sở hữu nhưng không dễ được cấp phép sử dụng, vì thế họ mua hàng lậu.
|
Lô súng hơi nhập lậu bị Chi cục Hải quan TP.HCM phát hiện. Ảnh: Công an TP.HCM |
Trong năm 2011-2012, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện, thu giữ gần 30 khẩu súng và gần 200 viên đạn nhập khẩu trái phép qua đường hàng không. Trong số đó có một súng ngắn, gần 200 viên đạn giấu trong một gói hàng chuyển phát nhanh gửi qua đường hàng không từ Mỹ về Việt Nam.
Ông Đỗ Thế Mạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho báo giới biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị lập 150 biên bản vi phạm hành chính về hải quan, tổng trị giá hàng vi phạm hơn 412 tỷ đồng, tổng số tiền phạt hành chính hơn 150 triệu đồng. Trong đó có 4 vụ vận chuyển trái phép chất ma túy, khối lượng gần 15 kg và 4 vụ vận chuyển trái phép sừng tê giác châu Phi với khối lượng tạm giữ lên đến 35,5 kg. Các mặt hàng này đều thuộc danh mục mặt hàng cấm xuất, nhập khẩu.
Nhiều khó khăn trong việc xử lý
Đối với việc vận chuyển cá tầm nhập lậu qua đường hàng không, trả lời báo giới, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải) cho biết, vận chuyển qua đường hàng không thì cá tầm chỉ là hàng hóa bình thường, không bị kiểm tra giấy tờ thú y. Ông Thanh cũng khẳng định, có việc vận chuyển các tầm từ Hà Nội vào TP.HCM qua đường hàng không, nhưng khó phân biệt được đó có phải là cá tầm lậu hay không. Bởi vì đối với mặt hàng vận chuyển nội địa, hàng không chỉ kiểm soát mặt hàng nguy hiểm, ví dụ hàng dễ cháy nổi, chất phóng xạ, hàng dễ ăn mòn như nước mặn, muối... còn cá tầm là loại hàng hóa bình thường nên chỉ yêu cầu đóng gói cẩn thận.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng khẳng định, có thể kiểm soát được việc nhập khẩu cá tầm lậu, bởi vì việc vận chuyển qua đường hàng không bắt buộc phải qua cửa cảng hàng không sân bay. Nếu có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan liên quan thì vấn đề trên sẽ được kiểm soát tốt.
Tình trạng buôn lậu qua đường hàng không không chỉ gia tăng trong thời gian gần đây mà thủ đoạn của các đối tượng càng tinh vi hơn. Đối với mặt hàng có nguồn gốc động vật hoang dã, các đối tượng buôn lậu thường để trong hành lý ký gửi và xếp lẫn vào những mặt hàng khác trong hành lý khiến lực lượng kiểm soát hải quan khó phát hiện. Với điện thoại di động, các đối tượng thường tháo linh kiện ra và vận chuyển theo đường xách tay. Hoặc các đối tượng xé lẻ hàng, nhờ người xách ra ngoài khu vực sân bay, sau đó gom lại. Đối với mặt hàng thuốc lá, các đầu nậu thường lợi dụng những người lao động không biết quy định về tiêu chuẩn khi mang thuốc lá về Việt Nam xách hộ.
Theo đại diện Phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm (Cục Hải quan Hà Nội), nhiều vụ buôn lậu hàng cấm nhập khẩu, vận chuyển qua sân bay quốc tế Nội Bài đã được lực lượng Hải quan kịp thời phát hiện, tuy nhiên khâu xử lý tang vật vi phạm và hành vi vi phạm của đối tượng vận chuyển lại gặp trở ngại lớn do những bất cập trong các quy định hiện hành. Chẳng hạn, vụ vận chuyển 26 khúc ngà voi với trọng lượng khoảng trên 120 kg vào tháng 11/2012 vẫn chưa được xử lý, do cơ quan Hải quan không thể định giá được tang vật vi phạm theo yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội.
Bên cạnh những khó khăn trong việc đối phó với những thủ đoạn của đối tượng buôn lậu, khó khăn trong việc xử lý tang vật, điều kiện làm việc cộng với sự quá tải tại các sân bay quốc tế của nước ta càng gia tăng thêm áp lực làm việc với những cán bộ Hải quan.
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU
Nguyễn Đóa