Qua tìm hiểu của phóng viên, một vấn đề mà các cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra là nhãn bao bì ngoài và trực tiếp đựng sản phẩm không ghi đồng nhất ngày sản xuất, hạn sử dụng. Đây là lỗ hổng khiến người tiêu dùng không được bảo vệ khi sử dụng phải hàng kém chất lượng.
Bỏ ngỏ trả lời về nguyên nhân bánh bị mốc, hỏng
Sau khi nhận được phản ánh của bạn đọc về bánh bông lan kem dâu của Công ty Cổ phần Bánh kẹo Phạm Nguyên bị nấm mốc, phóng viên đã trực tiếp tới gặp doanh nghiệp sản xuất và nhận được câu trả lời “sẽ có công văn gửi Báo”. Tuy nhiên, tòa soạn đến nay vẫn chưa nhận được trả lời về nguyên nhân bánh bông lan kem dâu bị mốc, hỏng từ phía đơn vị sản xuất. Đồng thời, đơn vị sản xuất cũng chưa cung cấp được những tài liệu liên quan tới công bố hợp quy, tiêu chuẩn sản phẩm, nhãn sản phẩm... được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép.
|
Bánh bông lan kem dâu Solo của Công ty Cổ phần Bánh kẹo Phạm Nguyên với bao bì ngoài ghi rõ NSX 09/06/2015, HSD 09/04/2016 còn bao bì trực tiếp thì không in NSX, HSD. |
Việc bao bì sản phẩm không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng (NSX, HSD) như trường hợp bánh bông lan kem dâu của Công ty Cổ phần Bánh kẹo Phạm Nguyên, trong trường hợp sản phẩm bị mốc, hỏng mà người tiêu dùng phản ánh, ông Nguyễn Thanh Tuân, Trưởng phòng Kiểm soát nội bộ của công ty này đưa ra các lý do: “Chúng tôi không bán lẻ, không có quy định nào của Việt Nam bắt buộc in date trên từng bao bánh nhỏ. Đăng ký lưu hành sản phẩm Bộ Y tế không yêu cầu phải ghi rõ NSX, HSD trên nhãn bao bì trực tiếp, nên chúng tôi không biết những bánh đã bóc vỏ bị mốc, hỏng có phải là sản phẩm của lô hàng có NSX, HSD trên bao bì ngoài hay không và có thể bánh bị mốc là bánh công ty sản xuất từ năm 2013 bị đưa vào vỏ hộp mới...”.
Vậy nếu những nghi ngờ của Công ty Cổ phần Bánh kẹo Phạm Nguyên là đúng thì đồng nghĩa với việc người tiêu dùng đã không được bảo vệ.
Nhiều sản phẩm không in NSX, HSD trên bao bì trực tiếp
Thông tư liên tịch số 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT, có hiệu lực từ ngày 19/12/2014 đã ghi rất rõ: “Tổ chức cá nhân sản xuất thực phẩm phải đảm bảo thông tin chính xác trung thực về ngày sản xuất, thời hạn sử dụng ghi trên nhãn thực phẩm. Thời hạn sử dụng phải ghi trên bao bì trực tiếp và bao bì ngoài”.
Tuy nhiên, qua khảo sát của phóng viên tại một số siêu thị trên thị trường TPHCM cho thấy, vẫn còn đơn vị sản xuất bánh kẹo không thực hiện theo quy định in nhãn mác bao bì đúng như Thông tư 34. Có thể ví dụ như bánh vị bò bít tết, vị rau cải của Công ty Cổ phần K.Đ., bánh kem xốp dâu của Công ty Cổ phần Bánh kẹo H.H., bánh gạo của Công ty Cổ phần thực phẩm O.O.... Phóng viên đồng thời mua ngẫu nhiên hộp bánh bông lan kem dâu hiệu Solo của Công ty cổ phần bánh kẹo Phạm Nguyên, trọng lượng 192g, số lượng 12 cái/hộp, bao bì ngoài ghi rõ NSX 09/06/2015, HSD 09/04/2016 còn bao bì trực tiếp thì không in NSX, HSD.
Vậy Công ty Cổ phần Bánh kẹo Phạm Nguyên và một số đơn vị sản xuất thực phẩm khác đã chấp hành đúng quy định ghi nhãn theo Thông tư 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT hay chưa? Câu trả lời thuộc về trách nhiệm của cơ quan quản lý.
Đừng “lập lờ đánh lận con đen”!
Theo BS Trần Văn Ký, Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam, đối với sản phẩm thực phẩm phải ghi nhãn hàng hóa theo quy định hiện hành mà không ghi rõ NSX, HSD cả trên bao bì trực tiếp và bao bì ngoài đúng như Thông tư 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT là sai quy định. Trong những trường hợp ghi NSX, HSD trên nhãn mác lập lờ kiểu “đánh lận con đen”, khi người tiêu dùng phản ánh sản phẩm bị hư hỏng, đối với doanh nghiệp trung thực sẽ ghi nhận tất cả thông tin để điều tra, tìm ra nguyên nhân giải quyết rõ ràng, trung thực; còn doanh nghiệp không trung thực thì có thể “phủi tay” một cách dễ dàng, vì khi bánh đã bóc vỏ ngoài rồi mà phát hiện ra sản phẩm có lỗi thì cũng không thể khiếu nại được, do bao bì bên trong không ghi NSX, HSD… Như vậy, người tiêu dùng không thể khiếu nại ai, thiệt hại thuộc người tiêu dùng.
Khi doanh nghiệp sản xuất thực hiện đúng điều khoản của Thông tư liên tịch số 34 thì người tiêu dùng mới được bảo vệ một cách tốt nhất và quyền lợi của doanh nghiệp cũng được bảo vệ khi sản phẩm lưu thông trên thị trường gặp rủi ro, cạnh tranh không lành mạnh. Đặc biệt, tránh sự gian lận của doanh nghiệp không trung thực, hoặc đơn vị sản xuất nào không có lương tâm muốn gian lận sử dụng hàng hết date, cũng không có cơ hội thực hiện theo kiểu “bình mới, rượu cũ”.
Hương Nguyên