Chọn dụng cụ nấu phù hợp
Để không làm hao tổn nhiệt năng, bạn nên chọn loại xoong, chảo, nồi phù hợp với lượng thức ăn cần nấu. Nấu ít thức ăn trong nồi lớn gây lãng phí nhiệt năng. Còn nấu quá nhiều trong nồi bé khiến thức ăn lâu chín, chín không đều cũng sẽ làm tốn gas.
Các món ninh, hầm, bạn nên dùng nồi áp suất để thức ăn nhanh chín, tiết kiệm gas và cả thời gian nấu nướng.
Không bật - tắt bếp nhiều lần trong khi nấu
Bạn nên chuẩn bị sẵn tất cả các nguyên liệu và lên kế hoạch nấu món gì trước, món gì sau. Như vậy quá trình nấu nướng sẽ diễn ra liền mạch và nhanh hơn.
Việc bật tắt bếp liên tục sẽ làm hao tổn nhiệt năng, tốn nhiều gas hơn. Do đó, chuẩn bị sẵn sàng mọi nguyên liệu là cách hữu hiệu để tiết kiệm gas.
Dùng vòng chắn gió cho bếp gas
Các loại vòng chắn gió (còn gọi là kiềng tiết kiệm gas) làm bằng kim loại, bao quanh đầu đốt giúp nhiệt không bị tản ra ngoài, tiết kiệm được kha khá gas trong quá trình nấu nướng.
Khóa bình gas sau khi nấu
Sau khi nấu ăn, chị em nên khóa bình gas lại. Cách này giúp hạn chế lượng gas thất thoát ra ngoài, tránh xảy ra tai nạn cháy nổ.
Thường xuyên vệ sinh bếp gas
Việc vệ sinh bếp thường xuyên giúp các chất bẩn không đọng lại làm bít các lỗ dẫn da. Khi các lỗ khí bị bẩn, gas ra không ổn định, lửa cháy không đều sẽ mất nhiều thời gian nấu nướng hơn.
Điều chỉnh lửa vừa phải
Để tiết kiệm gas, bạn nên chỉnh cho ngọn lửa vừa với đấy nồi, không bị lan ra ngoài. Ngọn lửa lớn không chỉ gây tốn gas mà còn làm thức ăn dễ bị cháy, chín không đều do nhiệt bị phân tán ở thành nồi thay vì ở đáy nồi.
Điều chỉnh lượng nước phù hợp
Với từng món ăn, bạn nên đong lượng nước cho hợp lý. Ví dụ, đối với món hấp, chỉ nên cho một lượng nước vừa phải, không đổ quá nhiều như khi làm món luộc. Đổ nhiều người sẽ kéo dài thời gian sôi, lãng phí gas.
Theo Thanh Huyền/Khoevadep