Vào thời điểm hầu hết các cơ quan, tổ chức, công ty đã hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết, lượng người đổ về Hà Nội nhiều, song sức mua bán vẫn chưa có dấu hiệu sôi động trở lại. Nhiều chợ, siêu thị Hà Nội vắng khách còn hàng hóa thì ế ẩm.
|
Khung cảnh vắng vẻ tại khu chợ Cầu Giấy - Hà Nội vào ngày đầu năm. |
Cũng như mọi năm, chợ dân sinh, chợ cóc hay các cửa hàng bán lẻ đã hoạt động từ rất sớm: từ mùng 2, mùng 3 Tết, một số mặt hàng thực phẩm đã được bày bán. Tuy nhiên, mức giá hàng hóa tăng gấp đôi so với trước Tết và chưa có dấu hiệu giảm cho tới ngày mùng 5, mùng 6.
Trong đó, rau xanh tăng giá mạnh nhất. Chỉ so riêng với các ngày giáp Tết thì các loại rau xanh, hoa quả tươi đang đắt hơn 2-3 lần. Như vậy, nếu so với giá cả ngày thường thì giá mặt hàng này còn cao hơn nữa.
Chị Minh, một người bán rau tại chợ cóc gần Nghĩa Tân (Cầu Giấy) cho biết: “Ra Tết, các chợ đầu mối ít hàng vì nhà vườn nghỉ không thu hoạch rau quả, cũng hiếm người vận chuyển hơn thông thường. Đắt nhất vẫn là các loại rau thơm, tăng gấp 3 lần so với trước Tết. Rau xà lách có giá 20.000 - 25.000 đồng/kg, rau thơm 5.000 đồng/mớ, chanh 5.000 đồng/quả…”.
Trong khi giá rau xanh tăng vọt thì giá các loại cá, thịt gà, thịt lợn... chỉ tăng nhẹ so với thời điểm giáp Tết. Giá thịt bò loại ngon đắt nhất là 330.000 – 350.000 đồng/kg, gà là 230.000 - 250.000 đồng/kg.
|
Hàng quán vắng bóng khách mua. |
Hàng hiếm là nguyên nhân khiến các loại thực phẩm bán sau Tết đắt đỏ. Hơn nữa, những ngày này, tiểu thương vất vả hơn, hi sinh ngày nghỉ để kinh doanh, buôn bán, do đó, hàng hóa “đội” giá so với ngày thường đã thành thông lệ.
Mặc dù hàng hóa nhiều, song theo nhiều tiểu thương, sức tiêu thụ tại các chợ đang rất èo uột. Chị Hải (khu chợ Bưởi - Hoàng Hoa Thám) tâm sự: “Ngày thường đến đầu giờ chiều là người bán phải lấy hàng mới, nhưng mấy hôm nay bán hàng sớm chưa hết, nói gì lấy thêm hàng, nhất là thịt lợn”. Theo chị Hải thì rất có thể tâm lý tích trữ thực phẩm trong dịp Tết của người tiêu dùng khiến sức mua sau Tết chậm, người dân chủ yếu chỉ có nhu cầu mua rau xanh.
Tuy mặt hàng thực phẩm tuy bán chậm như vậy nhưng vẫn không “thê thảm” bằng các loại đồ dùng, nhu yếu phẩm khác. Nhiều tiểu thương tại chợ, trung tâm mua sắm đã tung “chiêu” giảm giá 20 – 30% để hút khách, song vẫn không tránh khỏi tình cảnh ế ẩm. Hầu hết người dân đã mua sắm đồ gia dụng, quần áo, nhu yếu phẩm trước Tết vì có chương trình khuyến mại, hưởng ưu đãi. Ra Tết, để tránh tình trạng nhẵn ví, nhiều người chọn cách thắt chặt hầu bao, điều này lý giải phần nào cho sự vắng vẻ của nhiều cửa hàng, chợ búa.
|
Khu chợ nhà Xanh (Cầu Giấy) vốn nhộn nhịp người mua, kẻ bán, nay trầm lắng, vắng vẻ. Nhiều người bán hàng đứng ngóng khách. |
|
Các mặt hàng như quần áo, túi xách giảm giá mạnh nhưng vẫn không đủ sức "hút" khách. |
Cùng với các chợ dân sinh, chợ cóc, nhiều siêu thị tại Hà Nội cũng đã mở cửa trở lại. Các gian hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống phong phú không kém thời điểm trước Tết. Hầu hết siêu thị không tăng giá mặt hàng, thậm chí có giảm nhẹ giá các loại rau xanh, cà chua, hoa quả.
|
Sau Tết, các mặt hàng rau quả tươi lên kệ siêu thị khá phong phú. |
Mặc dù vậy, lượng khách mua hàng tại siêu thị lại rất thưa thớt. Chị Hoa (nhân viên bán hàng siêu thực phẩm sạch trên đường Nguyễn Khánh Toàn – Cầu Giấy) cho biết: “Hai hôm mở hàng đến giờ, trung bình một ngày siêu thị chỉ có khoảng 15 khách, ít người mua hàng lắm”.
Cũng chung tình trạng vắng vẻ, ế ẩm hàng hóa, anh Thành (nhân viên cửa hàng thực phẩm trên đường Nguyễn Trãi – Thanh Xuân) tâm sự: “Năm nay dân công sở đi làm sớm, những tưởng sẽ bán chạy hàng hơn. Nhưng khác với năm ngoái, năm nay, khách chỉ đến mua rau là chủ yếu, còn các thực phẩm như thịt, cá… thì chưa thấy có”.
Ngọc Linh