Những nguyên tác "vàng" khi máy bay gặp sự cố
Từng được xếp vào danh sách hãng bay an toàn nhưng những sự cố gần đây nhất của Vietnam Airlines khiến hành khách tỏ ra lo lắng.
Sự cố mới nhất xảy ra vào ngày 6/8 trên chuyến bay từ Bangkok (Thái Lan) về Hà Nội của Vietnam Airlines khiến 1 hành khách bị thương nhẹ và 2 tiếp viên bị choáng. Nguyên nhân của sự cố là do máy bay đi vào vùng nhiễu động trời trong.
Sự cố này của Vietnam Airlines khiến nhiều hành khách hoang mang do chưa hiểu biết về hiện tượng nhiễu động không khí và các cách đối phó trong trường hợp tương tự.
Nhiễu động không khí là hiện tượng gây ra bởi sự thay đổi đột ngột trong chuyển động của không khí. Có 2 loại nhiễu động. Một là nhiễu động không khí xảy ra khi 2 vùng không khí khác nhau, tiếp xúc với nhau ở độ cao lớn, như gần các dãy núi hay khi trên đại dương. Hai là nhiễu động xảy ra khi thời tiết không thuận lợi. Loại này dễ được phát hiện qua radar hơn. Nhưng nhìn chung, nhiễu động khó đoán trước, hay xuất hiện bất ngờ. Chính vì vậy, dù là hãng bay đẳng cấp đến thế nào cũng vẫn gặp sự cố bất khả kháng này.
|
Máy bay vào vùng nhiễu động không khí là chuyện không lạ trong các hành trình bay khắp thế giới. Ảnh: Fearlessflight. |
Khi máy bay đi vào vùng nhiễu động sẽ xảy ra hiện tượng rung lắc, tuy không ảnh hưởng nhiều đến thân máy bay nhưng hành khách và phi hành đoàn ngồi trong khoang máy bay có thể bị văng ra khỏi chỗ ngồi hoặc bị thương do các đồ vật bay loạn xạ va phải. Vì vậy, phi hành đoàn luôn phải nhắc nhở hành khách lúc nào cũng phải thắt dây an toàn và hạn chế đi lại nếu không cần thiết. Khi máy bay đi vào vùng nhiễu động, hành khách sẽ cảm thấy khó khăn khi đi lại, những người thắt dây an toàn có thể cảm thấy tức ở vùng bụng.
Hành khách cũng đừng quên khi lên máy bay cần để hành lý đúng quy định để tránh trường hợp khi máy bay rung lắc, hành lý không bị rớt vào người. Điều quan trọng là hành khách nên cố gắng bình tĩnh trong mọi tình huống và làm theo chỉ dẫn của phi hành đoàn một cách chính xác nhất.
|
Bình tĩnh và lường trước các tình huống xảy ra là chìa khóa của sự sống còn. |
Trong những trường hợp khác, khi máy bay gặp sự cố và bị rung lắc, trước tiên hành khách cần tuyệt đối bình tĩnh, tránh hoảng loạn thái quá. Điều thứ 2 đó chính là phải tuân thủ và chấp hành mọi quy tắc an toàn được tiếp viên hàng không nhắc nhở khi lên máy bay. Hãy đọc và làm theo đúng những quy tắc về tư thế ngồi, dây an toàn, các dụng cụ hỗ trợ khẩn cấp như mặt nạ dưỡng khí, áo phao... Thứ 3, hành khách có thể lên kế hoạch và chủ động chọn cho mình một chỗ ngồi an toàn trên máy bay. Theo tạp chí Popular Mechanics năm 2007, đuôi máy bay là khu vực ngồi an toàn nhất. Trong các vụ tai nạn hàng không, tỉ lệ sống sót của những hành khách ngồi đuôi là 69% hơn hẳn 56% ở cánh và 49% ở đầu máy bay.
Cuối cùng, hãy nhớ kĩ rằng khi xảy ra sự cố máy bay, trong trường hợp xấu nhất là máy bay rơi, luôn có những khoảng thời gian gọi là "golden time" (thời gian vàng). Đây là quãng thời gian ngay sau khi máy bay bị tai nạn, kéo dài khoảng 2 phút. Đó cũng là thời gian hành khách dễ dàng sống sót nhất nếu thoát được khỏi máy bay. Vì vậy hãy luôn sẵn sàng và thật nhanh nhẹn khi được các tiếp viên yêu cầu di chuyển.
Liên tiếp những sự cố "thót tim" của Vietnam Airlines
Hành khách của Vietnam Airlines nhiều lần hú tim khi máy bay của hãng gặp sự cố nguy cấp. Trong sự cố ngày 6/8, người phát ngôn của Vietnam Airlines - ông Lê Trường Giang cho biết, sự cố xảy ra do máy bay bị ảnh hưởng khi bay qua vùng nhiễu động trời trong. Chiếc Airbus 321 của hãng chở theo 104 hành khách và 8 nhân viên phi hành đoàn xuất phát từ Hà Nội đi Bangkok lúc 14h. Trong lúc đang bay bằng ở độ cao 36.000 feet (tương đương 10.973 mét), tiếp viên đang phục vụ bữa ăn, máy bay bất ngờ đi qua vùng nhiễu động trời trong (clear air turbulence). Đây là loại nhiễu động hiện nay rada thời tiết của máy bay chưa phát hiện được, khiến máy bay bị tụt độ cao 400 feet (tương đương khoảng 122 mét), ông Giang cho biết.
|
Quang cảnh trong khoang hành khách sau vụ "rơi tự do". Ảnh: Facebook T.Q.A |
|
Quang cảnh trong khoang tiếp viên sau vụ "rơi tự do". Ảnh: Facebook T.Q.A |
Chuyến bay sau đó hạ cánh an toàn tại sân bay Suvarnabhumi (Bangkok) lúc 15h40 (giờ địa phương). Do đã được sơ cứu kịp thời nên khi máy bay dừng ở sân bay Bangkok, hành khách bị thương ngón chân đã tự xuống máy bay mà không cần trợ giúp y tế.
Đây không phải là sự cố duy nhất khiến hành khách lo lắng của hãng hàng không Vietnam Airlines trong thời gian gần đây. Tối 20/7, chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu VN773 của Vietnam Airlines, xuất phát từ Hà Nội lúc 16h, dự kiến hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất lúc 18h cùng ngày cũng gặp sự cố nguy cấp. Theo đó, trong quá trình bay, tổ lái phát hiện cảnh báo nhiệt độ cao bất thường tại khu vực khoang hàng phía sau. Theo đúng quy trình xử lý, cơ trưởng của chuyến bay đã hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay gần nhất (sân bay Đà Nẵng) vào lúc 17h15 cùng ngày. Toàn bộ 268 hành khách và 11 nhân viên phi hành đoàn xuống khỏi máy bay an toàn. Các hành khách sau đó đã được chuyển sang chuyến bay thay thế khởi hành từ Đà Nẵng đi TP.HCM. Được biết, máy bay Boeing 777 được hãng đưa vào khai thác từ cuối năm 2012.
Ngoài việc phải hạ cánh khẩn cấp, máy bay của Vietnam Airline còn không thể hạ cánh được khi gặp sự cố. Đó là trường hợp xảy ra vào ngày 22/6 trên chuyến bay VN1021 của hãng cất cánh lúc 13h25. Sau 4 vòng bay lượn vòng tròn, đến 20h10 máy bay mới hạ cánh được.
|
Thời gian gần đây, Vietnam Airlines thường xuyên gặp sự cố khiến hành khách của hãng lo lắng, bất an. |
Trước đó, chuyến bay VN1516 Đà Nẵng - Hà Nội trên máy bay Airbus A321 ký hiệu VNA397, chở theo 182 hành khách hạ cánh lúc 16h25 chiều 14/6 của hãng này cũng đã xảy ra sự cố. Khi cất cánh từ sân bay Đà Nẵng, hệ thống cảnh báo nguy hiểm trên máy bay đã phát hiện ra áp suất lốp máy bay bị giảm. Tuy nhiên, đại diện hãng cho biết lốp không bị vỡ (khi lốp bị vỡ áp suất sẽ về 0), nên máy bay vẫn hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài vào chiều cùng ngày.
Trong một trường hợp khác, chiếc Airbus A330 của Vietnam Airlines đang hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất thì bất ngờ bị xì khói từ động cơ số 2 cũng khiến hơn một trăm hành khách lo lắng. Khói bốc ra tại động cơ số 2 khi máy bay đang trong quá trình vào bãi đỗ. Toàn bộ 166 hành khách và 13 nhân viên phi hành đoàn phải xuống bằng đường ống lồng. Chuyến bay gặp sự cố mang số hiệu VN780 từ Melbourne về Tân Sơn Nhất - TP.HCM lúc 15h55 chiều ngày 3/6. Đây là loại máy bay Airbus A330, số hiệu đăng ký A376, xuất xưởng ngày 27/8/2008. Vietnam Airlines đã đưa máy bay này vào khai thác ở Việt Nam từ ngày 20/7/2010.
Diên Lệ (Tổng hợp)