Cuộc càn quét không thương xót
Mười năm làm việc ở trại giống, là nhà cung cấp ếch giống cho biết bao hộ nuôi tới khi dành hẳn 1ha làm mô hình nuôi ếch theo quy trình an toàn, vệ sinh, thuê công nhân dưới quê lo chế biến chà bông, bao phen “lên bờ xuống ruộng” tới khi chuẩn hoá mọi thứ mà đầu ra vẫn là chuyện đau đầu.
|
Bảy Nữa nuôi nhiều loại cá làm khô, nuôi lươn, nuôi ba ba (tận dụng phế phẩm từ quy trình làm ếch sấy, chà bông, làm thức ăn cho ba ba), riêng lươn, cá mỗi năm thu được 200 – 300 triệu đồng. Ba ba phải nuôi một năm rưỡi, “lấy thu nhập con này nuôi con kia” theo chuỗi tới cuối cùng là nuôi con người. |
Toàn bộ khoản hỗ trợ bộ đội xuất ngũ đã cạn khi Bảy Nữa thử nghiệm để chọn lựa mô hình nuôi con gì, trồng cây gì? Cuối cùng anh đành phải mượn tiền mua bảy cặp ếch cái (50.000 đồng/con), mượn cả ếch đực của ông anh để nhân giống.
Trước đó đã có nhiều người nuôi ếch, giống ngoại nhập Rana rugulosa từ Thái Lan, Mexico, Brazil… Đối với Bảy Nữa, đó là tín hiệu đáng mừng, cứu cánh cho loài ếch nhái bản địa đang cạn kiệt do sở thích bất tận “vũ nữ chân dài” muối ớt chiên dòn. Ở Tri Tôn, An Giang có chợ bán ếch, thương lái tuyển chọn loại tốt nhất chở về TP.HCM. Ven đường là những điểm bán khô nhái trưng dụng ếch thứ cấp để làm khô. Một khi nguồn tự nhiên tại Rạch Giá – vùng tự nhiên còn nhiều ếch nhái ở Kiên Giang – cạn kiệt, thương lái sẽ sang Đồng Tháp “càn quét” vì nơi đó, ếch nhái, ễnh ương là những nhạc công không mệt mỏi.
Suốt một năm nhân giống ếch ngoại nhập, thị trường vẫn là cuộc càn quét không thương xót nguồn ếch nhái bản địa trong tự nhiên, kể cả việc dùng thuốc xịt trên đồng để ếch nhái “chuyển giới” và phun xịt để ếch nhái ngấm thuốc “phơi thây”, dễ dàng thu nhặt. Nhiều người dân địa phương nói thương lái đã qua tới Campuchia để tìm nguồn mới, sau khi làm đủ mọi cách mà vẫn không đủ nguồn cung.
Cuối cùng, Bảy Nữa cũng thành công trong việc nhân giống ếch. Lúc đó, người nuôi ếch thịt bán được giá 70.000 – 80.000 đồng /kg, Bảy Nữa bán từ 2.200 đồng/con. Chỉ một thời gian sau, ếch ngoại nhập thoái hoá do cận huyết, Bảy Nữa tìm cơ hội tiếp nhận chuyển giao giống phục tráng khi nghe tin sở Khoa học và công nghệ tỉnh Đồng Tháp hợp tác với đại học Nông lâm TP.HCM nghiên cứu duy trì giống.
Nói khát vọng, nghe có vẻ lớn lao, Bảy Nữa nói những đứa trẻ còi xương và bài thuốc dân gian từ bột cóc khiến anh phải suy nghĩ. Giết “cậu ông trời” làm thức ăn để bù canxi, dưỡng chất, không khéo tách trứng có thể bị “trúng độc”, vậy tại sao không tìm nguồn dinh dưỡng an toàn hơn?
Ếch nuôi là lời giải “ôn hoà” cho nhu cầu ngày càng nóng lên của “bột cóc”. Chà bông ếch, theo nhịp độ tiêu thụ trên 100kg/tháng, Bảy Nữa cần ít nhất 20 tấn thịt ếch/năm. Huyện động viên Bảy Nữa đẩy sản lượng lên 300 tấn/năm. Đẩy sản lượng lên nhanh nhưng không có hệ thống chế biến yểm trợ, mọi thứ sẽ rối rắm hơn.
Riêng khâu sấy, cần thiết bị phù hợp, đã trên trăm triệu đồng/máy, cũng chỉ Bảy Nữa tự lo. Từng bán con giống, tích luỹ vốn, mua đất làm nhà xưởng, vay vốn ngân hàng thuê đất, làm vốn lưu động… công việc bắt đầu lớn thuyền lớn sóng.
Trả lời câu hỏi truyền kiếp
Chưa có nhiều kinh nghiệm trên thương trường cho chà bông ếch, nhưng có nhiều bài học từ câu hỏi truyền kiếp “nuôi con gì?, trồng cây gì?” nên Bảy Nữa nuôi nhiều loại cá làm khô, nuôi lươn, nuôi ba ba (tận dụng phế phẩm từ quy trình làm ếch sấy, chà bông, làm thức ăn cho ba ba), riêng lươn, cá mỗi năm thu được 200 – 300 triệu đồng. Ba ba phải nuôi một năm rưỡi, “lấy thu nhập con này nuôi con kia” theo chuỗi tới cuối cùng là nuôi con người, Bảy Nữa nói.
Mỗi tháng, Bảy Nữa cung ứng cho thị trường 100 – 200kg chà bông ếch với giá 700.000 đồng/kg. Mỗi năm cung ứng từ 1 – 2 tấn trứng ếch giống với giá 300.000 – 400.000 đồng/kg; hơn 1 triệu con giống với giá từ 2.200 đồng/con.
Làm chà bông ếch là tự chọn thử thách từ điểm khó nhất, nếu làm khô, chỉ cần 8 – 10kg thịt ếch tươi nguyên con sẽ cho ra 1kg khô, còn làm chà bông chỉ sử dụng phần thịt đùi ếch, trung bình 4kg thịt đùi ếch sản xuất ra 1kg chà bông, một chút sai lầm trong mỗi mẻ sấy, nêm nếm mặn ngọt cũng có thể trả giá, ảnh hưởng tới dòng vốn để đi tiếp.
Lâu nay, thị trường giống ếch sôi động, giống Rana tigerina Dubois, được du nhập năm 1981, nhiều người thành công, nhưng cũng lắm kẻ thất bại trên thương trường. Không có ai giúp họ phân tích xem đâu là “ tử huyệt”! Rana rugosa (còn được gọi là ếch Nhật), thuộc họ Ranidae, giá trị kinh tế cao, doanh nhân Thái Lan chuẩn bị cuộc chơi có trọng điểm quốc gia, trong khi Bảy Nữa chỉ có chỗ dựa từ con giống phục tráng và mô hình chế biến, điểm yếu vẫn là mua bán sản phẩm giá trị gia tăng.
Khi người mua nói với Bảy Nữa hàng quá khô sẽ mất vị ngọt, ngược lại sẽ rất khó bảo quản, còn khẩu vị mỗi người mỗi khác… “Học phí” cho bài học khi tìm tới người tiêu dùng của Bảy Nữa đã lên tới cả trăm triệu đồng, nhưng cũng từ đó anh biết được nhiều chuyên gia về công nghệ thực phẩm lâu nay chỉ giữ những giải pháp trong trường học, anh gõ đúng cửa và nhờ đó được tư vấn đầu tư máy móc đóng gói, chế biến khô và chà bông ếch theo hướng công nghiệp. Sản phẩm được chào bán tại các khu du lịch, điểm dừng chân, quán ăn, quán nhậu… Tuy vẫn chưa tới được nơi Bảy Nữa mong muốn là trẻ nhỏ còi xương, nhưng bức tranh tương lai có vẻ đã sáng hơn.
Cách tính toán của Bảy Nữa, để đạt doanh số trên 1 tỉ đồng cho cá nhân anh không quá khó với mô hình đa canh. Mục tiêu của Bảy Nữa (Nguyễn Văn Nữa) và nửa kia của anh (Nguyễn Thanh Hiền) đồng sáng lập công ty TNHH thực phẩm sạch Bảy Nữa là tạo việc làm, thu hút lao động nông thôn từ ý tưởng đùi ếch làm chà bông. Cả hai vợ chồng hiểu việc gia công theo đặt hàng cho đối tác từ sản phẩm do chính mình nghĩ ra là cách nương theo gió để tìm tới thị trường.
Trong khi những nông trại khác chỉ nuôi và bán ếch qua thương lái, vợ chồng Bảy Nữa luôn phải trả lời câu hỏi nghe đơn giản nhưng hết sức khó khăn từ người tiêu dùng: “Có thể làm gì với chà bông cho nó ngon hơn?”, cũng là tự đặt mình vào cái khó, nhưng đó là mối nối để vợ chồng anh thoát khỏi nghịch lý, lần tới nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng cuối cùng.
Bảy Nữa ở ấp Mỹ Phú, xã Phú Điền, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp, từng được vinh danh là “Thương hiệu, sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam”, nhưng anh chỉ ao ước có nơi nào đó “ươm” cho anh trở thành doanh nhân nông nghiệp, để từng bước khởi nghiệp tự tin hơn, nhưng chưa được như mong muốn.
Bảy Nữa nuôi nhiều loại cá làm khô, nuôi lươn, nuôi ba ba (tận dụng phế phẩm từ quy trình làm ếch sấy, chà bông, làm thức ăn cho ba ba), riêng lươn, cá mỗi năm thu được 200 – 300 triệu đồng. Ba ba phải nuôi một năm rưỡi, “lấy thu nhập con này nuôi con kia” theo chuỗi tớicuối cùng là nuôi con người.
Theo Hoàng Lan/Dân Việt