Các quán này chỉ bán 1 tuần Tết Nguyên Đán 2016 nhưng thu về cả chục triệu nhờ khả năng chặt chém và hét giá.
Khách hàng biết thừa mình chặt chém nhưng vẫn phải ăn
Chỉ cần đảo quanh khắp phố phường Hà Nội trong những ngày này, đi đâu cũng bắt ngặp những hàng bún riêu "diễu hành" ngoài phố. Điều đặc biệt, các quán bún riêu này bán cả đêm lẫn sáng nhưng chỉ bán trong khoảng 1 tuần, khoảng từ 29 Tết đến mùng 6 Tết (tính theo lịch âm).
Theo cô Nguyễn Thị Kim Liên, một thực khách đang ăn tại một quán bún riêu vỉa hè trên phố Tôn Đức Thắng cho rằng: "Tết nhất, ăn nhiều thịt thà, nào là thịt gà, thịt bò, bánh chưng,... đủ món mỡ nên rất ngấy. Nên chỉ mong có bát canh chua, bán bún riêu hoặc bún ốc có vị thanh thanh của dấm gạo là giải ngay cơn ngán của Tết".
Đồng quan điểm, chú Hưng chồng cô Liên cho hay: "Tết ăn nhiều thịt gà quá nên chỉ cần bát bún riêu như để giải khát vậy".
Có lẽ, vì lí do đó mà các hàng bún riêu thi nhau mọc ra để phục vụ thục khách. Chúng nhiều đến nỗi, các hàng nằm san sát nhau, cạnh tranh, mời mọc nhau rất khốc liệt.
|
Một quán bún riêu trên đường Trần Nhân Tông đề biển giá luôn cho đỡ bị hỏi nhiều. |
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Người Đưa Tin, một bán bún riêu có giá rẻ nhất trong thời điểm này được bán với giá 50.000 đồng. Còn đầy đủ các thứ phụ kiện như giò, đậu, thịt bò thì 100.000 đồng.
Tôi thử đánh liều gọi thử một bát rẻ nhất ở phố Khâm Thiên, bên trong lèo tèo vài cọng bún với một chút cua xay nhuyễn. Và tất nhiên, khi trả tiền người bán lấy 50.000 ngàn đồng/bát.
Nhiều người trong nghề còn tỉ tê rằng, cua ở đây hầu như được bóp với đậu phụ để tạo độ bông và trông sẽ đầy đặn hơn nếu toàn bộ là cua "xịn".
Song, đó mới chỉ là giá ở những khu phố nhỏ. Còn những hàng bán bún riêu trong phố cổ giá có thể gấp đôi lên.
Nhiều khách hàng biết chắc kiểu gì cũng bị "chặt chém" nhưng dường như chẳng ai bận tâm. Cô Liên cho biết: "Tết thì cái gì chẳng đắt, với lại Tết nhất vui vẻ, không nên tiếc tiền làm gì không xui cả năm. Với lại Tết nhất làm gì có nhiều hàng quán mở cửa cho mà ăn nên chấp nhận ăn thôi".
Đem câu hỏi tại sao giá ngày này bún riêu lại có giá khủng như vậy, cô Đ., một chủ tiệm bán bún riêu chia sẻ: "Tết người ta nghỉ không ra đồng nên khan hàng chứ sao". Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, thì nguồn cua được dự trữ từ trước đó nên không có chuyện khan hàng.
Bán 1 tuần, lời cả chục triệu
Các ông, bà chủ bán bún riêu ngày Tết đều có công ăn việc làm riêng. Nhưng đến Tết họ lại tranh thủ bán hàng "chặt chém" để kiếm lời.
Cô Đ. cũng cho biết: "Cô chỉ bán vài ngày để kiếm thêm chút ít thôi, đồ đạc, bán đũa là đi thuê ở một hàng ăn của người quen về bán".
Khi PV hỏi, một ngày cô bán được khoảng bao nhiêu bát? Trong một vài phút ngập ngừng, cô Đ. cho biết rất mơ hồ: "Khoảng vài chục bát gì đó". Nhưng quan sát của PV, quán của cô Đ. khá đông, khách hàng ngồi vây kín bên nồi nước dùng. Bán đũa dùng rồi ngổn ngang hết lối đi.
|
Bát bún riêu cua lèo tèo vài cọng bún và chút cua xay nhuyễn giá thấp nhất cũng 50 ngàn đồng/bát. |
Nếu theo như lời cô Đ. nói, thì trung bình một bát bún có giá 70.000 đồng, mỗi ngày bán được khoảng 50 chục bát thì trong một tuần, quán ăn vỉa hè của cô Đ. thu về gần 25 triệu đồng.
Tuy nhiên, đó chỉ là con số ước chừng, thực chất, có rất nhiều hàng quán "hét giá" rất ác liệt. Thậm chí có hàng còn hét giá 200.000 - 300.000 một bát bún riêu đơn giản.
Dọc theo tuyến đường Khâm Thiên, hàng loạt quán bún riêu được mở ra phục vụ mấy ngày Tết Nguyên Đán. Thậm chí, có hàng còn nằm cạnh một bãi tập kết rác, từng núi rác được chất tới ngập trời. Thứ mùi xú uế, mùi rác thải đang trong tình trạng phân hủy đang bốc nên nồng nặc. Rồi đủ thứ ruồi, muỗi, lăng quang bay vo ve trước mũi khách hàng. Nhưng điều kì lạ, nhiều thực khách vẫn ăn ngon lành mà chẳng bận tâm gì tới "thế giới" xung quanh.
Cô Nguyễn Thị Lan, một hộ dân sống ở gần đó cho biết: "Chỉ có khách vãng lai ăn ở đó thôi, chứ dân quanh đây ít ai ăn lắm. Thứ nhất là đắt, thứ hai là rất mất vệ sinh".
Theo Anninhtiente