Trường đại học "ưu ái" dịch vụ của Vinaphone?
Không ít lần, người tiêu dùng tố bị ép dùng các dịch vụ của doanh nghiệp Việt một cách bất hợp lý và không thỏa đáng. Gần đây nhất, sự việc tại trường Đại học Ngoại ngữ (thuộc Đại học Huế) là một ví dụ.
Theo thông tin trên báo VOV, nhiều sinh viên của trường đại học này đã không đồng tình với nội dung thông báo của nhà trường về việc sẽ cấp một tài khoản học vụ gồm gồm sim điện thoại Vinaphone và email nhằm trao đổi thông tin học tập giữa nhà trường và sinh viên. Theo đó, thông báo đề nghị thu tiền từ sinh viên để kích hoạt sim điện thoại của mạng di động Vinaphone rồi nhận thông báo liên quan đến việc học tập. Trong khi đó, hơn 4,000 sinh viên của trường đại học này đang sử dụng nhiều dịch vụ của các nhà mạng khác và cho rằng quy định này không hợp lý.
Lý giải của đại diện phòng công tác sinh viên đại học Ngoại Ngữ thì mỗi sim Vinaphone cung cấp cho sinh viên khi được kích hoạt sẽ có trong tài khoản số tiền 30.000 đồng/tháng. Với lớp trưởng, ban cán sự lớp, tài khoản khuyến mãi là 50.000 đồng. Riêng số tiền 20.000 đồng là nhà mạng thu để kích hoạt sim.
|
Ảnh minh họa.
|
Dù lãnh đạo trường đã nhận sai sót là trước khi triển khai đã không lấy ý kiến của sinh viên và nhà trường không hưởng lợi gì từ việc này. Tuy nhiên, sự việc cho thấy quyền tự do lựa chọn dịch vụ, hàng hóa tiêu dùng… của sinh viên không được chú trong vì thế, hàng trăm sinh viên mới lên tiếng về sự việc này.
Công văn "lạ" ưu tiên dùng bia Sài Gòn
Đây không phải lần đầu các doanh nghiệp, đơn vị quản lý bị “tố” có sự không rõ ràng trong việc có hay không quy định “ép” hoặc “ưu tiên” sử dụng dịch vụ. Đầu tháng 9/2015, câu chuyện tuyên truyền, khuyến khích uống bia Sài Gòn, dùng bia Sài Gòn tiếp khách tại Hà Tĩnh cũng gây xôn xao dư luận.
Trên báo Tuổi Trẻ có đưa tin, xã Hộ Độ (Hậu Lộc, Hà Tĩnh) có văn bản “độc nhất vô nhị” về việc chỉ đạo uống bia, thậm chí, tuyên truyền uống bia qua văn nghệ, đọc loa để… ủng hộ ngân sách của tỉnh. Mục đích của việc làm này theo lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh là tăng cường vận người dân đồng hành cùng doanh nghiệp, thúc đẩy sản phẩm tiêu thụ mạnh. Thậm chí, sau khi công văn “lạ” này được triển khai thì 100% hộ kinh doanh trên địa bàn xã Hộ Độ đã ký cam kết kinh doanh bia Sài Gòn và mời chào người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của tỉnh. Không chỉ có huyện Hậu Lộc, nhiều địa phương tại Hà Tĩnh như Kỳ Anh, Đức Thọ, Cẩm Xuyên… cũng có văn bản tương tự, ra bản cam kết gửi tới các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, … trên địa bàn về việc ưu tiên tiêu thụ bia Sài Gòn.
Và, dư luận càng xôn xao hơn khi có những cán bộ tỉnh Hà Tĩnh bị cấp trên nhắc nhở, phải viết bản tường trình vì không sử dụng bia Sài Gòn trong cuộc liên hoan mà sử dụng bia của hãng khác, vi phạm công văn quy định trước đó được ban hành, không “ưu tiên sử dụng hàng hóa sản phẩm sản xuất trong tỉnh”.
|
Một số văn bản ở Hà Tĩnh chỉ đạo về sử dụng bia Sài Gòn. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Mặc dù vẫn biết việc đồng hành cùng doanh nghiệp Việt, người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam, song cách làm này đã vi phạm đến quyền cạnh tranh lành mạnh trên thị trường của các thương hiệu. Liệu việc “bế quan, tỏa cảng”, ưu tiên dùng hàng “nhà” có làm cho thương hiệu đó phát triển bền vững, có thu được nguồn lớn cho ngân sách, được người tiêu dùng tin cậy, hay hiệu ứng của phong trào “lạ đời” này lại ngược lại?
Hải Phòng, Hà Tĩnh ra văn bản "ưu ái" Techcombank
Câu chuyện ưu ái một thương hiệu, một doanh nghiệp tại Hà Tĩnh cũng hao hao tình huống Hải Phòng có văn bản ưu tiên mở tài khoản thanh toán lương tại ngân hàng Techcombank.
Khoảng tháng 8/2015, nhiều ngân hàng đã đồng loạt phản ứng về công văn "lạ" của tỉnh Hải Phòng. Theo nội dung của văn bản này, UBND TP Hải Phòng yêu cầu: giám đốc các sở, ngành, chủ tịch UBND các quận huyện, doanh nghiệp “xem xét ưu tiên thực hiện việc mở tài khoản thanh toán tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị mình tại Techcombank” và “thời gian hoàn thành trong quý 3”.
Trong văn bản này, UBND TP cũng yêu cầu một số đơn vị bắt buộc phải sử dụng dịch vụ của Techcombank. “Yêu cầu các ban quản lý dự án do TP quản lý tập trung chuyển ngay tài khoản về giao dịch thanh toán và trả lương tại Techcombank” - văn bản ghi rõ.
Mặc dù, theo lý giải của thành phố Hải Phòng, văn bản này không vi phạm Luật cạnh tranh vì UBND TP chỉ yêu cầu các quận huyện, doanh nghiệp ưu tiên sử dụng dịch vụ trả lương qua tài khoản của Techcombank chứ không hề ép buộc. Và việc khuyến khích sử dụng dịch vụ của ngân hàng Techcombank vì từ năm 2015 đã ký thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), nhưng việc triển khai các nội dung thỏa thuận hợp tác đến nay còn hạn chế, nên có hoạt động này.
|
Buổi họp báo thông tin về thỏa thuận hợp tác giữa UBND TP.Hải Phòng và Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Ảnh: Lao động |
Kịch bản tương tự này cũng từng diễn ra ở Quảng Ninh, khi UBND tỉnh cũng có văn bản chỉ đạo sử dụng các dịch vụ chính của Techcombank sau khi ngân hàng này ký kết các thỏa thuận hợp tác, tài trợ nhiều tỷ đồng cho địa phương. Tuy nhiên, Quảng Ninh sau đó đã thu hồi các văn bản “lạ” và điều chỉnh lại chỉ đạo, ban hành.
Tháng 8/2014, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam được cấp ngân sách 9 tỷ đồng để đầu tư dự án giao thông nông thôn, việc ra công văn "làm việc với công ty xi măng Xuân Thành 2" đã khiến dư luận xôn xao. UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi các sở giao thông vận tải, Kế hoạch và đầu tư, Tài chính… và UBND cấp huyện trên địa bàn yêu cầu các địa phương “hỗ trợ tiêu thụ xi măng sản xuất trên địa bàn tỉnh của Công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành 2 khi kiên cố hóa mặt đường giao thông nông thôn”.
Nhiều ý kiến cho rằng nội dung văn bản không khác gì việc tỉnh ép địa phương phải sử dụng sản phẩm của công ty này.
Ngọc Linh (Tổng hợp)