Đơn kiến nghị của Hội được gửi đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài truyền hình Việt Nam và các cơ quan báo chí.
Trong đơn, Hội Cổ động viên Bóng đá Việt Nam bày tỏ sự tri ân đặc biệt tới các đài truyền hình trong cả nước đã cống hiến cho khán giả những trận cầu nảy lửa, hấp dẫn.
Theo đơn kiến nghị, trước đây, để tránh khỏi một cuộc cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà đài trong việc mua bản quyền và giữ độc quyền phát sóng các chương trình tường thuật bóng đá các giải đấu hay (trong đó có giải Ngoại hạng Anh), Bộ Thông tin và Truyền thông đã có chỉ đạo nhằm tạo ra một sự thống nhất cho việc thương thảo, đàm phán mua bản quyền truyền hình và phối hợp tổ chức, sản xuất các chương trình truyền hình trực tiếp các giải đấu. Tuy nhiên hiện nay, diễn tiến sự việc không diễn ra như mong đợi,
Truyền hình số vệ tinh K+ gần như chiếm lĩnh độc quyền các chương trình trên.
Cũng theo đơn kiến nghị, 3 năm trước, sau khi K+ ra đời, người hâm mộ bóng đá cả nước phải đối phó với hình thức kinh doanh độc quyền của họ, phản ứng bằng chương trình vận động "Một triệu chữ ký trên bức thư ngỏ" gửi Thủ tướng Chính phủ. Chương trình đã gây được tiếng vang lớn trong dư luận và gặt hái được một bước thành công, đó là việc xem tiếp miễn phí các trận thi đấu vào ngày Thứ bảy trên một số kênh truyền hình của các đài địa phương.
Hội Cổ động viên Bóng đá Việt Nam trong đơn cũng ghi nhận những thay đổi trong thời gian qua của K+ trong việc giúp khán giả truyền hình và người hâm mộ cả nước có thêm cơ hội tiếp cận với những sản phẩm của K+. Song với lý do khách quan là điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam hiện nay, ý đồ phát triển rộng khắp đến mức đại trà, phổ biến, dẫn đến chiếm lĩnh vị trí độc tôn về thị phần kinh doanh chương trình truyền hình của K+ là điều khó có thể thực hiện được. Hiện nay còn nhiều hộ gia đình có mức tổng thu nhập dưới 3 triệu đồng/tháng, thì việc bỏ tiền ra để mua một bộ đầu thu của K+ là quá khó. Thêm vào đó, khi thưởng thức bóng đá, người hâm mộ lại có sở thích vô cùng đa dạng và phong phú trước cách thức bình luận bóng đá của từng đài. Việc cố tình chiếm giữ độc quyền trong sản xuất kinh doanh chương trình truyền hình bóng đá chẳng khác nào áp đặt người hâm mộ trước một sự chấp nhận bắt buộc, đơn kiến nghị nêu rõ.
Trong đơn kiến nghi, Hội nói rõ: "Chúng tôi không hề có ý làm tổn thương đến uy tín và giá trị thương hiệu của K+, nhưng chúng tôi không thể chấp nhận sự tồn tại của những hoạt động sản xuất kinh doanh chương trình truyền hình thể thao mang đầy mục đích vì lợi nhuận kinh tế của họ. Trên thực tế, những hành động của K+ đang bóp chết cơ hội thưởng thức bóng đá của chúng tôi".
Nguyễn Đóa