Theo các chuyên gia hóa học, sức khỏe người dùng sẽ bị đe dọa vì màu sơn của những đôi đũa này rất dễ phơi nhiễm ra trong quá trình tiếp xúc với thức ăn.
Đũa sơn siêu rẻ “phục kích” mâm cơm
Dạo một vòng các chợ, cửa hàng đồ dùng gia dụng tại Hà Nội, đâu đâu cũng thấy bày bán đũa ăn với nhiều màu sắc bắt mắt. Với giá từ 8.000- 15.000 đồng/gói/10 đôi, đũa sơn hiện là lựa chọn của hầu hết những gia đình có thu nhập bình dân.
Nhiều loại đũa thường được chế biến từ gỗ. Các nhà sản xuất thường muốn sản phẩm của họ trở nên bắt mắt và hấp dẫn người tiêu dùng, nên đã sơn phết trên bề mặt đũa bằng các loại sơn.
|
Đũa sơn được bán rất nhiều tại các chợ, cửa hàng đồ gia dụng |
Tại chợ Đồng Xuân, đũa sơn được bán buôn với gia rất rẻ, chỉ từ 3.000- 7000 đồng/gói 10 đôi tùy loại. Đũa ở đây chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc với đủ màu sắc, chạm khắc hoa hòe. Nhiều loại đũa có nhãn hiệu Việt nhưng ngoài một cái tên ra thì không có địa chỉ cụ thể của nhà sản xuất.
Theo chủ một cửa hàng trên phố Hàng Khoai (Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, HN): Loại đũa sơn này bán rất chạy, nhất là ở các vùng nông thôn. 2/3 số lượng sản phẩm đũa sơn tại cửa hàng này là được những người bán lẻ ở nông thông nhập về.
“Đũa sơn sản xuất trong nước cũng có nhiều, nhưng màu sắc không đẹp, không phong phú như hàng Trung Quốc. Mặt khác hàng Trung Quốc có độ bóng, mẫu mã cũng đẹp hơn rất nhiều so với hàng Việt. Không chỉ có thế, đũa Trung Quốc giá lại rẻ hơn rất nhiều so với đũa sơn sản xuất trong nước. Vì vậy đũa sơn Trung Quốc được những cửa hàng bán lẻ nhập về bán nhiều hơn”, chủ cửa hàng này cho biết.
Loại đũa sơn Trung Quốc này khi bỏ ra khỏi túi có mùi sơn rất hắc, miết mạnh tay một chút là chất sơn đã nhuộm ra cả tay. Khi PV thắc mắc về độ dễ ra màu của các loại đũa này thì người bán hàng thờ ơ: “Ôi trời, tiền nào của nấy. Muốn mua đũa xịn thì vào siêu thị mà mua. Đũa sơn màu thì sao tránh được ra màu, chỉ là đồ để gắp thức ăn chứ có ăn vào người đâu mà cần kĩ tính thế”.
PV mua một gói đũa sơn màu vàng về, ngay khi bỏ đũa vào chậu nước, màu sơn đã bắt đầu phai, càng rửa màu sơn càng ra nhiều. Thậm chí sau khi luộc đũa bằng nước nóng rồi rửa lại, màu sơn trong đũa vẫn tiếp tục phai ra vàng khè cả chậu nước.
Sức khỏe nhiễm độc
Theo tiến sĩ Trịnh Lê Hùng, khoa Hóa, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, về nguyên tắc, không được sơn bất cứ thứ gì lên trên bát đĩa hay đũa bởi các chất này có thể bị thôi ra trong một điều kiện hay nhiệt độ nào đó, nhất là các đồ dùng trong thực phẩm. Sơn và vecni là các hợp chất hữu cơ, vì thế có những thành phần độc cho sức khoẻ con người.
Ví dụ, sơn sẽ có các oxit kim loại và màu. Khi bị phai ra và ăn vào dạ dày, các axit trong cơ thể sẽ tác động đến kim loại và ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Còn vecni được pha chế thêm từ cồn hoặc dung dịch, hóa chất khác để sơn lên đồ gỗ. Các chất này cũng rất ít khi được sử dụng trong thực phẩm.
Tiến sĩ Hùng cho biết thêm, hiện chưa thể kiểm soát hết các đồ dùng gia đình loại này, nhất là các cơ sở làm gia công, họ sử dụng hóa chất khó có thể an toàn vì yếu tố lợi nhuận. Tốt nhất, mỗi người nên cứu mình bằng cách tránh xa các loại đũa bát có sơn phủ ngoài.
|
Rửa đến lần thứ... 10 mà màu sơn vẫn phai ra nước |
Theo tiến sĩ Ngô Quốc Quyền, Viện Hóa học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ít nhiều các loại sơn sử dụng như lớp bảo vệ bên ngoài để tạo độ bóng, tạo màu giả gỗ đều độc hại, mức độ tùy thuộc vào loại hóa chất và nồng độ hóa chất mà họ sử dụng.
Dù có dùng sơn ta, là vật liệu tự nhiên, thì vẫn phải có dung môi để hòa tan. Dung môi là dầu thực vật thì lâu tan, không có hại nhưng lại rất mất thời gian và sản xuất công phu. Trong khi đó, dung môi hữu cơ giúp sơn tan nhanh, quá trình sơn phủ nhanh và dễ dàng hơn, giá thành rẻ hơn nhiều. Tiến sĩ Ngô Quốc Quyền khẳng định: “Cái gì cũng có tính hai mặt của nó: rẻ, dễ làm thì sẽ độc hại hơn”.
Các gia đình nên dùng đũa tre, không sơn phủ ngoài bóng bẩy hoặc có những màu sắc trông không thật. Trước khi sử dụng lần đầu tiên, nên rửa kỹ với nước rửa bát, hoặc có thể dùng cồn để lau sạch lớp hóa chất bên ngoài rồi rửa lại với nước sạch.
Theo VietQ